Sóng đánh vào đê biển ở Baracoa, Cuba. Ảnh: AP |
Sönke Dangendorf, một nhà hải dương học thuộc Đại học Siegen (Đức), đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu nói rằng: "Thực tế này nhấn mạnh, nước biển dâng là một mối đe dọa nghiêm trọng".
Nhóm nghiên cứu của ông Dangendorf đã lập biểu đồ về mực nước biển dâng trong suốt thế kỷ 20 cho đến năm 2012. Vào phần lớn những năm 1900, mực nước biển dâng với tốc độ trung bình là 1,1 mm/năm.
Tuy nhiên đến năm 1993, một sự thay đổi mạnh mẽ đã xảy ra. Từ đó cho đến năm 2012, mực nước biển dâng với tốc độ trung bình 3,1 mm/năm.
Ông Dangendorf cho biết: "Các thành phố đang bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng, như thành phố Miami ở tiểu bang Florida của Mỹ, sẽ có nhiều trận lũ lụt duyên hải và bão mạnh hơn nhiều so với những gì được quan sát cho đến nay”.
Tình trạng này được cho là chủ yếu do sự nóng lên toàn cầu. Khi trái đất nóng lên, các vùng lạnh và băng của thế giới trở nên ấm hơn. Băng tan và chảy ra biển, làm cho mực nước dâng lên.
Hội đồng về biến đổi khí hậu Liên Hiệp quốc (LHQ) trước đó cảnh báo rằng, mực nước biển sẽ dâng từ 12-39 inch đến năm 2100. Trong trường hợp xấu nhất, những khu vực như Thung lũng San Jose, New Orleans, Miami, Tampa, Quebec City, Vancouver, Alexandria, phần lớn Hà Lan, Lisbon, Venice, Thâm Quyến, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác sẽ bị ngập.
Lê Thảo (Lược dịch từ Sputniknews & Express)