Thuận An tấp nập người tắm biển
Hiện nay, khách về với biển Thuận An rất đông, hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch biển đã được đầu tư, chỉnh trang khá đồng bộ, quán xá được xây dựng đẹp, kiên cố, có đường bê tông dành cho việc đi bộ rất khang trang, đèn chiếu sáng đầy đủ, các bãi giữ xe, nơi tắm nước ngọt rộng rãi, gọn gàng; bãi tắm có đặt nhiều thùng rác để giữ gìn vệ sinh chung cũng như quy định không được ăn uống tại bãi tắm…
Tuy nhiên, một vấn đề mà rất nhiều khách du lịch phàn nàn là giá cả dịch vụ ăn uống đang còn quá đắt đỏ. Đáng nói hơn là nhiều quy định ép buộc du khách trả tiền một cách miễn cưỡng rất khó chịu. Ví dụ, ở các quán tại bãi tắm số 4, bảng giá thực phẩm hải sản không niêm yết giá, chỉ ghi chung chung “du khách không dùng hải sản phải trả tiền ghế ngồi 20.000đ/ghế/người, nếu dùng hải sản thì không mất tiền ghế”, trong khi giá hải sản thì không biết là phải trả bao nhiêu. Chính vì vậy, gia đình tôi đã phải trả một số tiền rất lớn.
Hơn cả năm trời quay lại biển, chúng tôi vào một quán ở bãi tắm số 4, mọi người trong gia đình kéo ghế ngồi, chúng tôi gọi nhiều món: bánh lọc, trìa, bia, nước ngọt, mỳ xào… Nhưng khi tính tiền, giá cả đã đắt đỏ lại phải chịu tính thêm tiền ghế mà gia đình tôi đi cũng khá đông gần 20 người, trong đó có rất nhiều trẻ em. Tôi hỏi vị chủ quán, tôi đã trả số tiền này rồi sao lại tính thêm tiền ghế, câu trả lời mà vị chủ quán đưa ra là nhà tôi không ăn hải sản, mà hải sản quy định ở đây phải là tôm, cua, cá, mực. Để khỏi phải trả tiền ghế, chúng tôi đành mua 2 con mực với giá trên trời 300.000đ/con.
Làm dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch luôn phải đảm bảo tính công khai, trung thực và phục vụ tận tâm. Điều này vừa tạo điều kiện an toàn cho du khách; mặt khác, sẽ làm tốt công tác quảng bá du lịch thân thiện cho địa phương và quan trọng nhất là tạo dựng thương hiệu cho cá nhân. Mong rằng, chính quyền các cấp có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để dẹp nạn làm du lịch theo kiểu “ăn xổi” nhằm xây dựng một thương hiệu du lịch biển của tỉnh ngày một tốt hơn.
Gia Hân