Nhờ sự góp sức của ông Ngân (bên phải), đường giao thông ở Công Thành không còn lầy lội như trước

Năm 1998, khi tách Chi bộ HTX Tây Sơn, ông Ngân được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Công Thành. Từ đó, ông cùng 5 đảng viên trong chi bộ vận động bà con thực hiện các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Ông đã cùng với các đoàn thể họp bàn giải pháp giúp bà con khai thác tiềm năng đất đai ở địa phương, đẩy mạnh xây dựng mô hình chăn nuôi trồng trọt. Các cây lúa, lạc và sắn vốn gắn bó với cuộc sống của người dân Công Thành, nhưng năng suất còn thấp và đầu ra không ổn định. Nhận thấy những hạn chế đó, ông vận động bà con tập trung cải tạo đất đai, làm kênh mương nội đồng, đưa các giống lúa chất lượng vào gieo cấy đúng quy trình, chăm bón đúng thời vụ. Từ đó, nhiều xứ đồng ở thôn Công Thành vốn chỉ gieo cấy 1 vụ, năng suất lúa chỉ 40-45 tạ/ha, nhưng sau năm 2005, với hơn 70ha ruộng, bà con đưa vào gieo cấy 2 vụ/năm, năng suất đạt trên 55tạ/ha. Năm 2016, năng suất lúa đạt 60 tạ/ha. Cùng với lúa là cây sắn công nghiệp. Ông Ngân kêu gọi bà con khai thác các quỹ đất ruộng thừa, các triền đồi, tạo mô hình xen canh giữa sắn kết hợp với cây lạc; đồng thời chỉ đạo các đoàn thể phối hợp tập huấn, tín chấp cho bà con vay vốn ngân hàng để đầu tư tăng đàn gia súc, gia cầm theo hướng gia trại và trang trại, giải quyết lượng lao động nông nhàn. Hiện tại, mô hình trồng sắn, lạc đã phát triển hơn 32ha (trước năm 2005 chưa đến đến 20ha), đã mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con địa phương, góp phần giảm hộ nghèo. Với 140 hộ dân trong thôn, nay chỉ còn 11 hộ nghèo vì neo đơn, già cả; giảm hơn 20 hộ so với trước đây.

Dẫn chúng tôi đến thăm địa bàn dân cư, ông Ngân chia sẻ, hiện nay Công Thành không chỉ phát triển kinh tế mà đường thôn ngõ xóm được xây dựng, chỉnh trang sạch đẹp, đời sống văn hóa tinh thần của người dân đã được nâng cao. Để có kết quả này, ông Ngân đã dựa vào các đoàn thể, khéo léo vận động, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để giúp người dân hiểu và tích cực thực hiện. Ông thể hiện “đầu tàu” trong việc vận động bà con xa quê góp quỹ làm cổng làng Công Thành khang trang gần 110 triệu đồng; kêu gọi bà con góp công, hiến đất làm đường bê tông hóa theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Năm 2016, thôn Công Thành làm mới 3km đường bê tông, trong đó người dân đóng góp gần 85 triệu đồng và hiến hơn 2600m2 đất cùng nhiều cây cối. Để tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, tránh các tệ nạn xã hội vào ban đêm, ông Ngân phát huy sáng kiến kêu gọi bà con gần xa hỗ trợ kinh phí xây dựng 72 trụ đèn bê tông thắp sáng 3km đường quê. Ông còn vận động xây quỹ dự phòng thôn làm vốn “đối ứng” mỗi khi huyện, tỉnh hỗ trợ cho Công Thành các công trình xây dựng cơ bản... Bà con địa phương cũng như người ở xa quê luôn tin tưởng, đánh giá cao sự năng động, tinh tế của bí thư Hoàng Ngọc Ngân.

Dẫu vậy, ông Ngân vẫn luôn trăn trở với cái nghèo, cái khó ở địa phương. Ông thường xuyên gặp gỡ, tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng của từng hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo. Qua đó, chỉ đạo các đoàn thể phối hợp nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn,tham gia các chương trình tập huấn, dự án chăn nuôi, trồng trọt...

Hễ việc làm nào có lợi cho dân, cho thôn, xã là ông Ngân không nề hà. Từ tinh thần đầy trách nhiệm ấy, ông Ngân đã góp phần vào việc xây dựng Chi bộ thôn Công Thành phát triển toàn diện, mấy năm gần đây đều đạt danh hiệu "Trong sạch vững mạnh".

Minh Thương