Người Huế đặt tên cho thứ trái cây di thực từ miền Nam vào bằng một cái tên mỹ miều là “giáng châu” như một món quà mà đất trời ban cho xứ nắng hanh hao, mưa gắt gao này. Nằm gọn bên trong lớp vỏ tím sẫm là những múi nhỏ nuột nà, ngọt ngào; nắp cuống vỏ xanh tươi, mấy cánh hoa nhỏ phía dưới đáy như món đồ trang sức khiến cho thứ trái cây kia thêm phần sang trọng, bắt mắt về mặt hình thức. Măng cụt Huế mỏng vỏ, múi nhỏ nhưng ít hạt, bẻ lớp vỏ dậy mùi thơm hơn măng cụt miền Nam. Năm ni măng cụt Huế được mùa, giá chỉ bằng 2/3 mọi năm nên hễ ra chợ là tôi lại sà vào rổ măng cụt của mấy mệ ở nhà vườn. Mấy đợt rằm liên tục mẹ tôi đều đơm măng cụt lên bàn thờ, khi tùy hứng thì mua về ăn.

 

Thứ cây lạ lùng được mang về đất Huế đã trải qua một thời gian dài thích nghi với môi trường sống, đón cái nắng gắt và gồng mình chịu những mùa mưa rét để dâng cho đời thứ hương vị mà ai cũng yêu thích. Măng cụt giống ngày trước trồng gần chục năm mới cho trái, lại chiếm diện tích đất nên nhà vườn rộng mới dám trồng. Vì vậy mà nó trở nên quý hiếm và cao giá (giá thành lẫn giá trị). Các nhà y học còn góp phần làm rõ giá trị của măng cụt qua nhiều công bố, trong đó có một số tác dụng khiến cho chị em phụ nữ rất ưa thích: tăng cường sinh lực, chống lại các chứng viêm, giảm cân, làm dịu chứng bệnh suyễn, giúp miệng lở mau lành, giảm các ảnh hưởng lão hóa, giảm cholesterol…

Tôi hay mua măng cụt của “Mệ ăn trầu” ở chợ gần nhà, (tôi gọi mệ vậy chứ không biết tên). Mệ kể vườn nhà có 10 gốc măng cụt gần 40 tuổi. Không thể định lượng thu hoạch được bao nhiêu, nhưng ngày mô cũng hái được năm, bảy cân ra chợ. “Lần đầu tiên mệ tích lũy được tiền triệu nhờ bán măng cụt. Chiều mô mấy đứa cháu trong nhà cũng rủ nhau ra hái măng cụt, nói cười ồn ã cả vườn”, mệ vừa nói vừa cầm trái măng cụt nâng lên đặt xuống, dáng chừng thỏa lòng lắm! Tôi đoán chắc, nhiều chủ nhà vườn ở Kim Long, Nguyệt Biều năm nay vui mừng vì măng cụt sây trái. Ra chợ nhìn cảnh người bán hỏi giá, bàn tán nhau chuyện được mùa là đã thấy sôi nổi. Người trồng măng cụt nhưng không đủ ăn còn ra chợ tìm mua thêm. Rồi chuyện “măng cụt vườn chị, măng cụt vườn tui” thôi cũng đủ râm ran hàng quán. Ấy cũng là niềm vui nhỏ nhoi nhưng lâu lắm rồi mới thấy được nụ cười của những người ở nhà vườn. Cười vì cái lộc trời cho sau bao mùa măng cụt thất bát…

A Túc