Vụ án khởi nguồn từ việc chị D. nghi ngờ chồng có quan hệ tình cảm ngoài luồng với một người phụ nữ khác. Chiều hôm ấy, D. theo dõi, phát hiện chồng mình và người phụ nữ kia dắt nhau vào nhà nghỉ. D. báo chị ruột, chị gái của chồng và hai người bà con bên chồng ở gần nhà cùng đến nhà nghỉ để bắt quả tang. Khi đến, thấy có bảo vệ nên cả nhóm đứng bên ngoài nhà nghỉ theo dõi. 9 giờ tối, thấy chồng chở người phụ nữ kia từ trong nhà nghỉ đi ra, D. lấy cây sào chặn xe, kéo người phụ nữ kia xuống, dùng kéo cắt tóc, cắt quần áo; những người khác vừa đè vừa dùng tay tát và cào cấu vào mặt, lưng, ngực người phụ nữ đó. Nạn nhân không mảnh vải trên người, chạy thoát vào nhà nghỉ kêu cứu.

Nạn nhân và chồng D. không có mặt tại phiên tòa. Bị cáo D. phân trần, chị và chồng kết hôn đã 7 năm nhưng chưa có con. Thực ra chị chỉ muốn giữ chồng, giữ hạnh phúc gia đình. Ai ngờ sau vụ đánh ghen, chồng chị bỏ việc, bỏ nhà đi luôn đồng thời tiến hành thủ tục ly hôn. Chồng đã không giữ được, chị phải ra trước tòa , còn “kéo” theo những người thân ruột thịt hai bên. Lo lắng, suy nghĩ khiến có lúc chị bị trầm cảm nặng. Gia đình, người thân phải canh chừng miết, sợ chị quẫn mà hành động dại dột.

Trả lời hội đồng xét xử, 5 bị cáo đều cho rằng bị hại “có lỗi” trước, đó là đã “giật” chồng người khác. Ấm ức nên các bị cáo mới tham gia đánh ghen để giữ lại chồng cho D. mà thôi. Vị hội thẩm hỏi D., trước lúc xảy ra vụ đánh ghen, bị cáo còn tình cảm với chồng hay không? D. trả lời vẫn yêu thương chồng nên mới giữ chồng theo cách đó. Tòa phân tích, đó không phải là cách giữ chồng mà ngược lại. “Người đàn ông rất cần sỉ diện. Chồng của chị lại làm việc ở một cơ quan Nhà nước. Sau sự việc “đình đám” như thế, chồng có mất mặt không, có còn tình cảm với bị cáo được hay không. Nếu bị cáo muốn giữ chồng có rất nhiều cách, nhưng tuyệt đối không phải là cái cách vi phạm pháp luật như bị cáo và các đồng phạm đã thực hiện...” -vị hội thẩm nói.

Số tiền mà bị hại yêu cầu bị cáo và các đồng phạm bồi thường, D. đồng ý một mình bỏ ra. Bị cáo lý giải, bản thân mình chủ mưu vụ án, đã rủ rê lôi kéo các chị em, bà con trong gia đình phạm tội, nên bây giờ trách nhiệm bồi thường không muốn để liên lụy đến người thân. Sau thời gian nghị án rất lâu, hội đồng xét xử TAND TP.Huế tuyên phạt 5 bị cáo với tổng số tiền là 80 triệu đồng. Ngoài ra phải bồi thường tổn thất tinh thần cho bị hại là 6,5 triệu đồng.

 “Thoát” án phạt tù, các bị cáo ai nấy thở phào. Thế nhưng, chẳng bị cáo nào cảm thấy nhẹ nhõm. Nhất là bị cáo D, người vợ ghen “quá đà”, chủ mưu thực hiện trận đánh ghen bằng cách vi phạm pháp luật, để bây giờ mất cả chì lẫn chài.

Chồng bị cáo D. và người phụ nữ (không có mặt tại phiên tòa) là người bị hại trong vụ án, thế nhưng có lẽ chị (cùng chồng bị cáo D)  phải "đối diện" với một "tòa án" khác, đó là sự lên án của cộng đồng, khi có mối quan hệ không minh bạch, là nguồn cơn gây ra sự việc đau lòng.

Hải Huế