Hiện nay, các nhà khoa học đã chứng minh có rất nhiều yếu tố gây ung thư như: hút thuốc lá, uống nhiều rượu mạnh, ô nhiễm môi trường,…, mỗi yếu tố có thể gây ung thư cho một số cơ quan của cơ thể con người. Trong đó, việc sử dụng các loại thực phẩm không đúng cách hoặc do sử dụng quá nhiều hoặc qua chế biến có thể gây ung thư đường tiêu hóa hay gặp như sau:

1. Ăn nhiều thịt động vật:
 
Các loại thịt động vật có khả năng sinh ung thư do quá trình chuyển hóa nitrogen của thịt thành chất nitrosamin gây ung thư mạnh trên thực nghiệm. Thật vậy, theo nghiên cứu của giáo sư Michael J.Thun và Hội ung thư Hoa Kỳ (2007) theo dõi 148.610 người trưởng thành có độ tuổi trung bình là 63 tuổi. Kết quả cho thấy những người ăn nhiều thịt đỏ (như: thịt bò, thịt heo, …) sẽ có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn 50% so với những người ít ăn loại thịt này. Ngoài ra khảo sát còn cho thấy những người ăn nhiều thịt gia cầm (như: thịt gà, thịt vịt, thịt ngang,...) và cá sẽ giảm được nguy cơ bị ung thư đại tràng 25% nhưng không giảm được nguy cơ bị ung thư trực tràng. Một nghiên cứu khác tại Anh (2008) cho thấy trong hơn 35.000 phụ nữ, ở độ tuổi 35 - 69, được theo dõi trong 8 năm, thì những ai ăn nhiều thịt động vật có nguy cơ bị ung thư vú trước và sau mãn kinh cao hơn những ai không ăn thịt. Vì vậy người ta khuyên ăn thịt cần ăn thêm rau quả xanh để có thêm vitamin, đặc biệt là vitamin C nhằm trung hòa các chất gây ung thư, đồng thời có thêm chất xơ để tăng cường đào thải chất độc ra ngoài cơ thể.
 
2. Ăn nhiều mỡ động vật:
 
Ngoài các tác hại gây béo phì, nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch…, ăn nhiều mỡ động vật còn kích thích sự phát triển của khối ung thư. Ăn nhiều mỡ động vật gây tăng tiết axít mật làm biến đổi tế bào niêm mạc ở đại tràng gây ung thư, thừa mỡ động vật làm hệ thống miễn dịch suy giảm. Mỡ động vật còn là tiền chất tạo ra các hormon steroid gây ung thư: ung thư vú, tử cung và đại tràng.
 
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy có mối liên quan giữa bệnh ung thư đại trực tràng với chế độ ăn nhiều mỡ động vật, thịt động vật. Chế độ ăn mỡ, thịt gây ung thư qua cơ chế làm tiết nhiều axít mật, chất ức chế quá trình biệt hóa của các tế bào niêm mạc ruột. Vì vậy các chuyên gia sức khỏe và dinh dưỡng khuyên nên sử dụng dầu thực vật để thay thế mỡ động vật nhằm giảm bớt các nguy cơ gây ung thư.
 
3. Các thực phẩm qua chế biến:
 
Các loại thịt - cá nướng, hun khói, chiên, càng già lửa càng sinh ra nhiều amin dị vòng, nhất là khi đang chiên rán đổ thêm dầu mỡ vào làm tăng nhiệt độ đột ngột. Những amin dị vòng này khi ăn vào sẽ gây đột biến tế bào của cơ thể. Những thức ăn hun khói có thể bị nhiễm benzopyren, một chất gây ung thư thực nghiệm. Việc nướng trực tiếp thịt ở nhiệt độ cao có thể sẽ tạo ra một số sản phẩm có khả năng gây đột biến gen. Vì vậy ăn thịt nên luộc, thịt nhỏ lửa là tốt nhất và vừa chín tới.
 
Cá muối khô, thịt hộp, cá hộp… có chất nitrit để bảo quản khi gặp oxít nitơ biến đổi tạo ra nitrosamin gây ung thư.
 
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại thực phẩm ướp muối, hay ngâm muối như cá muối, có hàm lượng nitrosamin cao, liên quan đến sinh bệnh ung thư vòm mũi họng. Nước mắm, dưa muối, cà muối…, có hàm lượng nitrosamin cao, có liên quan đến ung thư dạ dày.
 
4. Chất phụ gia và những chất gây nhiễm khác có trong thực phẩm:
 
Aflatoxin sinh ra từ nấm mốc Aspergillus flavus. Loại nấm mốc này thường có trong các ngũ cốc bị mốc, nhất là lạc mốc. Ăn phải các thực phẩm này sẽ bị ung thư gan.
 

Không nên dùng ni lon bọc giò chả, dễ gây ung thư - ảnh minh họa từ internet
 
Một số phẩm nhuộm thực phẩm như chất paradimethyl amino benzen dùng để nhuộm bơ thành bơ vàng có khả năng gây ung thư gan.
 
Dư lượng, tàn tích của các thuốc trừ sâu trong lương thực, thực phẩm không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà còn khả năng gây ung thư. Do vậy, vấn đề an toàn thực phẩm, tiêu thụ rau sạch hiện nay đang được xã hội quan tâm.
 
Dưới đây là 10 khuyến cáo của Tổ chức Lương Thực Thế giới do 23 nhà khoa học thực hiện:
1.     Không để cơ thể quá gầy còm.
2.     Luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày.
3.     Tránh các đồ uống có đường và hạn chế các thực phẩm quá nhiều năng lượng, đặc biệt là các thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng muối cao hay thêm đường hoặc ít chất xơ.
4.     Ăn đa dạng các loại rau, hoa quả, ngũ cốc nguyên cám và các loại đậu đỗ.
5.     Hạn chế ăn thịt đỏ và tránh thịt chế biến sẵn.
6.     Hạn chế chất cồn, trong ngày chỉ tối đa 2 ly đối với nam giới, 1 ly đối với phụ nữ.
7.     Hạn chế các thực phẩm muối và các thực phẩm chế biến sẵn cần đến muối.
8.     Đừng dùng các loại vitamin bổ sung để ngăn ngừa ung thư.
9.     Cách tốt nhất đối với các bà mẹ là cho con bú ít nhất 6 tháng rồi mới cho trẻ ăn thêm các thực phẩm ngoài sữa mẹ.
10. Sau điều trị, những người mắc ung thư được chữa khỏi cần tuân thủ theo các khuyến cáo để phòng tái mắc ung thư.
 
 
TS.BS. Nguyễn Đức Hoàng - Huế.