Đã khó vẫn còn rào cản

Mặc dù năm qua, du lịch là một trong những ngành duy trì phát triển tương đối tốt, nhưng có thể thấy bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, tổng cục Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2013 khá khiêm tốn: đón 7,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 5,15% so với năm 2012; phục vụ 35 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,69%. Theo các doanh nghiệp, tuy mục tiêu khiêm tốn nhưng nếu không tích cực tháo gỡ những vướng mắc đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp thì khả năng thực hiện sẽ khó.


Quy định xe phục vụ du lịch chỉ được cho phép lưu hành tối đa 10 năm không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.

Các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì lượng khách quốc tế bằng năm ngoái, vậy mà phí visa từ 1.1.2013 tăng gần gấp đôi. Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, tổng giám đốc công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam nhận xét việc tăng phí visa chỉ phục vụ cho ngành ngoại giao, chứ không đứng trên lợi ích quốc gia, Chính phủ xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng nhưng chính sách đi theo không tạo điều kiện thu hút khách quốc tế. Hiện còn có dự thảo hướng đến sẽ bãi bỏ việc miễn visa đối với bảy nước là thị trường trọng điểm khách quốc tế của du lịch Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch công ty Dã ngoại Lửa Việt thấy nếu đúng việc này xảy ra thì lại thêm một “đòn hiểm” đánh vào sức cạnh tranh vốn ốm yếu của du lịch việt Nam.

Kiến nghị của hiệp hội Du lịch TP.HCM về việc không tăng mức tiền ký quỹ từ 250 triệu lên 500 triệu đồng đến nay chưa có hồi đáp khiến doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế thêm lo. Theo bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch thường trực hiệp hội Du lịch TP.HCM, tiền ký quỹ là điều kiện đảm bảo doanh nghiệp có thực lực kinh doanh lữ hành quốc tế theo như giải thích của cơ quan quản lý nhà nước, hầu như là “tiền chết” để trong ngân hàng. Trong tình hình kinh doanh lữ hành quốc tế đang gặp nhiều khó khăn khi bối cảnh kinh tế chung của thế giới còn suy thoái thì không nên bắt doanh nghiệp tăng khoản tiền ký quỹ.

Câu chuyện thiếu hướng dẫn viên du lịch phục vụ khách nước ngoài do bất hợp lý trong việc cấp thẻ hành nghề, doanh nghiệp đã bức xúc lên tiếng biết bao lần trong mấy năm qua nhưng dường như tổng cục Du lịch vẫn thờ ơ. Sở Văn hóa, thể thao và du lịch TP.HCM tiếp tục kiến nghị sửa đổi tiêu chuẩn cấp thẻ trong Luật Du lịch nhằm khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng hướng dẫn viên các ngôn ngữ đang có nhu cầu cao như Nga, Hàn, Thái…

Sở Văn hóa, thể thao và du lịch TP.HCM cũng kiến nghị nhà nước nghiên cứu có chính sách miễn giảm thuế đối với xe chuyên dùng cho vận chuyển khách du lịch từ 30 chỗ ngồi trở lên để khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư phát triển du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cũng đã nhiều lần nêu lên một bất hợp lý khác trong thông tư liên tịch giữa bộ Văn hóa, thể thao và du lịch với bộ Giao thông vận tải, đó là qui định xe phục vụ du lịch chỉ được cho phép lưu hành tối đa 10 năm. Điều này không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vì nếu khấu hao nhanh thì đội chi phí, giá tour không cạnh tranh được so các nước trong khu vực.

Thấp thỏm với “lệ làng” của các địa phương

Trong dự thảo chương trình kích cầu năm 2013, bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đề nghị các công ty lữ hành tham gia tổ chức famtrip để giới thiệu các điểm du lịch của Việt Nam với du khách trong nước và nước ngoài. Điều này chỉ số ít công ty lữ hành có khả năng làm được. Trong khi để kích cầu du lịch, theo các doanh nghiệp, bộ hãy cùng các địa phương làm cho các điểm du lịch thuận lợi, an toàn, thân thiện để khách đến. Chưa có năm nào, các công ty lữ hành sốc nhiều như năm 2012 khi ở những địa phương thu hút đông khách du lịch cứ đột ngột lại đưa ra những qui định bất hợp lý, tăng giá vé tham quan, để tình trạng uy hiếp khách diễn ra. Đáng nói hơn nữa là tinh thần xây dựng, hợp tác để phát triển của các địa phương hầu như không được thể hiện, bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cũng như tổng cục Du lịch cũng không có biện pháp can thiệp nào, để mặc các công ty lữ hành chịu trận.

Trước tình trạng Quảng Ninh tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long; Đà Nẵng thiếu kiểm soát giá phòng nghỉ để tăng vô tội vạ, không có ý kiến gì về việc khu du lịch Bà Nà qui định việc đặt vé đi cáp treo nhiêu khê, bất hợp lý; Lâm Đồng để tình trạng các “cò” dọa ép hướng dẫn viên đưa khách vào các lò mứt ở Đà Lạt, hiệp hội Du lịch TP.HCM đã liên tiếp gửi các công văn kiến nghị làm rõ để tạo sự an tâm cho lữ hành đưa khách đến các địa phương nhưng chẳng thấy sự phản hồi. Ông Vũ Thế Bình, chủ tịch hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng chính sách của Chính phủ, các bộ, các địa phương đưa ra hầu như chỉ nghĩ đến quản lý nhà nước sao cho tiện, có thu nhiều cho địa phương, chứ chưa là chính sách nghĩ đến tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp – yếu tố làm nên sự phát triển kinh tế đất nước. Có qui định rất trái khoáy, xuất phát từ ý thích của lãnh đạo địa phương mà làm khốn khổ doanh nghiệp như việc bắt doanh nghiệp sơn trắng hết tàu trên vịnh Hạ Long làm mất đi loại tàu gỗ màu nâu đặc trưng của Việt Nam. Vì vậy, các công ty lữ hành vẫn luôn thấp thỏm lo không biết những “lệ làng” sẽ còn phát sinh thế nào nữa trong năm nay.

Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cũng như tổng cục Du lịch phát động chiến dịch quảng bá tại chỗ qua thể hiện sự thân thiện với khách du lịch, trước hết có lẽ nên bắt đầu từ việc giải thích, trả lời về những “lệ làng” của các địa phương liệu sẽ chấm dứt như thế nào và không phát sinh nữa hay không.

Bài và ảnh: Nguyệt Hồng (Theo SGTT)