Ông Donald Trump (phải) trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi tại hội nghị ở Ý - Ảnh: Reuters |
Tuyên bố đầu tiên của ông Trump về thoả thuận Paris chống biến đổi khí hậu kể từ sau khi đắc cử được đưa ra ngày 27/5 sau khi các lãnh đạo nhóm G7 gặp bế tắc về vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Đài BBC mô tả tổng thống Mỹ bị cô lập và chịu sức ép từ sáu thành viên còn lại trong cuộc gặp của nhóm ở Sicily, Ý.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng cuộc gặp “rất khó khăn và khó mà nói là hài lòng được”.
“Đó là một tình huống sáu chọi một, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu Mỹ sẽ ở lại thoả thuận Paris hay không” - bà Merkel thông tin.
Tại cuộc gặp, ông Trump cho rằng Mỹ cần thêm thời gian để quyết định liệu Washington sẽ giữ các cam kết về giảm phát thải khí carbon theo Thỏa thuận Paris đã được các bên thống nhất hồi năm 2015 hay không. Trước đó, Tổng thống Trump từng tuyên bố Mỹ nên rút khỏi thỏa thuận này.
“Tôi sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về thoả thuận Paris vào tuần sau” - ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter hôm 27/5, ngày cuối cùng trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông.
Trong khi đó, tổng thống Pháp Emmanuen Macron bày tỏ hy vọng người đồng cấp Mỹ sẽ tuân thủ Thỏa thuận Paris và cảnh báo Washington sẽ mắc sai lầm nếu rút lui và nhường lại cuộc chơi cho Trung Quốc. “Ông Trump là một người biết lắng nghe, thực tế và sẵn sàng tranh luận” - ông Macron mô tả.
Còn thủ tướng Canada Justin Trudeau, sau cuộc họp, cũng nhắn nhủ “ta không thể xây dựng một tương lai kinh tế vững mạnh nếu không bảo vệ và suy nghĩ cho môi trường”.
Theo thỏa thuận đạt được tại Paris năm 2015, gần 200 quốc gia đã nhất trí cắt giảm khí thải CO2 và các khí khác phát thải do đốt các nhiên liệu hóa thạch nhằm hạn chế tình trạng trái đất nóng lên.
Trong đó, Mỹ cam kết vào năm 2025 sẽ đạt mức cắt giảm từ 26-28% lượng khí thải so với mức phát thải của năm 2005.
Theo Tuổi trẻ