Tinh thần của của ngành giáo dục đề ra là từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động để thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp; đồng thời qua đó để tăng dần chất lượng đội ngũ giáo viên.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những giáo viên có năng lực, trình độ, tâm huyết với nghề vẫn còn  một bộ phận trình độ năng lực còn hạn chế. Thậm chí nhiều người chỉ giữ chân biên chế, nhưng tâm ý thì dành cho việc làm ngoài hay dạy thêm để tăng thu nhập, thậm chí còn lợi dụng quyền hạn của mình để ép học sinh phải đi học thêm.

Tại Hội thảo khoa học Quốc gia đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay được tổ chức tại Hà Nội hồi năm ngoái đã đưa ra con số khiến ai cũng phải giật mình, đến năm 2020, dự kiến trong nước sẽ thừa khoảng 70.100  sinh viên sư phạm tốt nghiệp. Cũng theo thống kê hiện nay, mỗi năm có khoảng 4.000 sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc làm. Đây là nguồn lực dồi dào để thay thế, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên tại các trường học.

Điều trăn trở nhất hiện nay làm sao để việc đưa ra biên chế, tuyển dụng giáo viên mới đảm bảo công bằng, hợp tình hợp lý. Dân gian có câu: “Thầy già, con hát trẻ” ý nói kinh nghiệm của người thầy có giá trị rất lớn trong dạy dỗ học sinh. Bên cạnh đó, không ít trường hợp giáo viên tuy trình độ năng lực còn hạn chế nhưng họ đã tâm huyết, gắn bó, cùng ngành giáo dục vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Nhiều thầy cô đã không quản lương thấp, tình nguyện đi đến vùng sâu, vùng xa để gieo con chữ, tạo nên hình ảnh thật cảm động.

Điều đáng quan tâm nữa là vấn đề thực hiện quy chế dân chủ trong trường học. Chuyện giáo viên bị o ép phải chuyển trường, ra khỏi ngành để nhận người khác đã từng xảy ra. Rồi những chuyện tiêu cực, hối lộ để được nhận vào ngành vẫn chưa được ngăn chặn. Nếu không có những giải pháp thiết thực, hiệu quả thì việc bỏ viên chức, công chức giáo viên sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những tiêu cực phát sinh.

Cải cách, đổi mới giáo dục; từ chương trình sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy đến việc quản lý nhân lực, vật lực… để đáp ứng  yêu cầu phát triển là cần thiết. Song, cần phải có lộ trình, nhằm hạn chế xáo trộn quá lớn; đặc biệt phải làm tốt vấn đề tư tưởng trong đội ngũ giáo viên, cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức của người đứng đầu nhà trường. Trong chất lượng đội ngũ, cốt làm sao để giáo viên không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức và yên tâm tâm huyết với nghề.

Đặng Thành