Nếu mật ong rừng được đăng ký chất lượng, sẽ được các siêu thị và cửa hàng nông sản sạch ký hợp đồng tiêu thụ

Loay hoay tìm đầu ra  

Là nghề truyền thống thu hút trên 1 ngàn lao động tham gia, dệt zèng trở thành sản phẩm đặc trưng của vùng đất A Lưới. Song, các sản phẩm thiết kế từ vải zèng như váy, áo quần, túi xách, khăn…tiêu thụ nhỏ giọt, chủ yếu là phục vụ người dân địa phương và cung cấp cho các cửa hàng lưu niệm nên thu nhập của người lao động chưa tới 2 triệu đồng/người/tháng.

Giám đốc HTX Dệt zèng thổ cẩm A Lưới, bà Mai Thị Hợp giải thích: “Nguyên liệu sẵn, lao động nhiều nhưng lương nhân công thấp do sản phẩm khó tiêu thụ nên HTX không có kinh phí mở rộng quy mô, trang bị thêm khung dệt và cải tiến mẫu”.

Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm xã Nhâm Lê Thị Kim Thoại cũng cho rằng, nếu đầu ra ổn định, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, dệt zèng sẽ là nghề chính và thu hút nhiều chị em tham gia, góp phần xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống cho người dân.

Mật ong rừng, gạo Ra dư và nấm sò xám là những đặc sản mà các địa phương trong tỉnh không có, được người tiêu dùng ưa chuộng. Với số lượng ít do sản xuất theo mùa vụ hoặc phụ thuộc vào người cung cấp, lâu nay, các sản phẩm này cũng chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện và cung ứng cho một số tư thương nên giá cả không ổn định. Mặt khác, do sản xuất quy mô hộ gia đình, thiếu vốn nên đa số các sản phẩm chưa đăng ký nhãn hiệu, không có bao bì đóng gói đạt chuẩn và công tác quảng bá chưa được quan tâm.

Hộ kinh doanh mật ong rừng Hồ Thị Ngư trăn trở: “Mỗi tháng thu mua của các hộ đi rừng trên 300 lít mật ong, qua kinh nghiệm thì đây là mật ong rừng nguyên chất, không pha trộn. Song, vì không có thiết bị thẩm định cũng như chưa đăng ký nhãn hiệu nên người tiêu dùng còn dè dặt, các siêu thị không nhập hàng vì thiếu giấy tờ kiểm định nên đầu ra gặp khó.

Nhiều nông - đặc sản A Lưới đang tìm cơ hội mở rộng thị trường    

Kết nối cung - cầu

Sau khi tham khảo quy trình chăn nuôi và thưởng thức đặc sản thịt bò A Lưới, mật ong rừng, nhiều cơ sở kinh doanh nông sản sạch và siêu thị ở TP.Huế có nhu cầu nhập hàng về phân phối. Rào cản ở đây là số lượng thịt bò chưa nhiều, không đủ để vận chuyển về TP.Huế, còn gạo Ra dư giá cao và mật ong rừng chưa đăng ký nhãn hiệu.

Trưởng bộ phận ngành hàng tươi sống, Siêu thị Big C Huế Trần Như Hùng Tấn băn khoăn: “Qua khảo sát thực địa tại A Lưới, có hai sản phẩm mà DN cần kết nối để đưa vào kinh doanh, đó là thịt bò và gạo Ra dư. Điều mà chúng tôi lo lắng là phương thức giao hàng, cách bảo quản và số lượng hiện khó đảm bảo theo đơn đặt hàng”. Trong khi đó, Giám đốc Công ty hữu cơ Huế Việt- Nguyễn Thị Huệ khẳng định, nếu các sản phẩm như gạo Ra dư, thịt bò, mật ong rừng hay nấm sò xám được công bố chất lượng, DN sẵn sàng ký kết hợp đồng tiêu thụ và phân phối cho chuỗi cửa hàng nông sản sạch ở các tỉnh miền Trung.

Theo chủ nhà may Chi Silk-Thiện Gia, vải zèng là đặc sản nổi tiếng với chất liệu bền, màu sắc đẹp và giá thấp, sau khi tham quan quy trình sản xuất của các HTX, cơ sở đã ký kết hợp đồng tiêu thụ nhập hàng về thiết kế áo dài phục vụ khách hàng trong tỉnh và đưa sang các nước Thái Lan, Lào.

Theo Giám đốc Sở Công thương- ông Nguyễn Thanh, để sản phẩm đặc trưng của A Lưới tiêu thụ mạnh, đứng chân tại các siêu thị hay cửa hàng nông sản sạch, phụ thuộc vào cơ sở sản xuất và chính người dân. Những rào cản như đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm có bao bì đóng gói hay nguồn cung ổn định cần được khắc phục.

Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Quốc Cường cho rằng: “Sắp tới huyện sẽ giám sát quy trình sản xuất, hỗ trợ các cơ sở đăng ký nhãn hiệu và vận động người dân đầu tư bao bì đóng gói để cung ứng ra thị trường. Sản phẩm mà huyện quan tâm và mong muốn tìm đầu ra là đặc sản chuối. Với diện tích trên 400ha, nếu đầu ra ổn định, giá cả hợp lý thì người dân sẽ mở rộng diện tích và tăng thu nhập”. Ông Cường cho biết, đối với sản phẩm thịt bò, sắp tới huyện sẽ tạo điều kiện cho một cơ sở đứng ra làm đầu mối thu gom và giết mổ, sau đó đưa vào trữ đông và vận chuyển về TP. Huế tiêu thụ.

Thông qua hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông-đặc sản và hàng TCMN do Sở Công thương phối hợp với UBND huyện A Lưới tổ chức vào giữa tháng 5/2017, có 2 hợp đồng và 15 biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm nông- đặc sản và TCMN được ký kết, tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ sản phẩm, đồng thời góp phần mở rộng quy mô sản xuất và giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Hương