“Đệ nhất” lồng chim xứ Huế

 “Cái lồng chim loại nhỏ có giá thấp nhất cũng 5 triệu đồng, loại lớn trung bình từ 70 triệu đến hơn trăm triệu đồng. Nói không ngoa đâu nhé, tui đã từng làm cho một đại gia cái lồng chim có giá trên 1 tỷ đồng”, ông Đoàn Minh Căn ở xã Phú Dương (Phú Vang) khoe.

Ông Căn chăm chút với từng sản phẩm

Ông Căn “bén duyên” nghề điêu khắc từ khi còn trên ghế nhà trường. Cứ sau giờ tan học, ông lại tự chế đục, đẽo, tìm kiếm gỗ tại các xưởng mộc về tập điêu khắc tượng, đồ trang trí gia dụng. Người thầy mà ông theo học nghề ở đường Ông Ích Khiêm hồi đó cũng nổi tiếng trong nghề điêu khắc ở vùng đất Cố đô Huế.

Năm 21 tuổi, ông Căn đã tự mở cơ sở điêu khắc gỗ gia dụng tại nhà. Các sản phẩm tượng, đồ trang trí do ông tạo ra được thị trường ưa chuộng, không chỉ trong và ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu sang Nga... Từ khi Nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng, các loại gỗ khan hiếm, giá lại cao khiến ông trăn trở, tìm hướng đi mới phù hợp, vừa đảm bảo đời sống vừa lưu truyền nghề.

Ông suy nghĩ: “Tại sao không làm sản phẩm bằng tre, trong khi nguồn nguyên liệu tre dồi dào, lại thân thiện với môi trường; nhưng nguyên liệu tre thì phải tạo ra loại sản phẩm nào cho phù hợp?”. Lúc này, phong trào, thú chơi chim cảnh trong và ngoài tỉnh có xu hướng phát triển, ông Căn cũng thuộc giới mê chim.  Một dịp vào thăm người thân ở TP. Hồ Chí Minh, tình cờ thấy con chim quý nuôi bằng lồng tre tuềnh toàng, ông Căn nghĩ: “Chim quý thì phải ở lồng son”. Có lợi thế nghề điêu khắc, ông dùng tre để chạm trổ hoa văn tinh xảo, có độ thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao. Tùy thuộc vào các loại chim để tạo ra các lồng hình tròn, hay vuông, lớn nhỏ khác nhau. Giá trị của mỗi chiếc lồng nằm ở chỗ họa tiết, hoa văn tinh xảo, bắt mắt, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Lồng chim do ông Căn làm ra không chỉ dành cho chim quý mà còn dùng để trang trí nội thất cho những ngôi nhà sang trọng.

Công đoạn thiết kế mẫu mã, chạm trổ hoa văn, họa tiết, khâu hoàn thiện sản phẩm đòi hỏi tay nghề phải cao, điêu luyện nên đều do một tay ông Căn làm; những khâu đơn giản, không cầu kỳ thì dành cho thợ và các học viên. Họa tiết, hoa văn thường chạm trổ ở phần đế lồng, hay phía trên và móc lồng. Mỗi “tác phẩm” đều gắn với những bức tranh sinh động, di tích lịch sử như Đại Nội, Kinh thành Huế, sông Hương, núi Ngự, hay cô gái Huế trong tà áo dài thướt tha... Các họa tiết gắn với tuồng tích, như “Thập bát La Hán”, “Bát tiên quần thú”, “Cửu long ẩn vân”, “Song long chầu nguyệt”...

 Ông Căn kể: “Có khách hàng ở Huế còn dẫn tui đến xem hướng nhà để làm lồng chim phù hợp với phong thủy. Tui phải tìm tòi sách vở, hỏi thêm những người am hiểu phong thủy nhằm tạo hoa văn, họa tiết, hình ảnh trên lồng cho phù hợp và yêu cầu của khách hàng. Cái lồng này ngốn mất 3 tháng mới xong”.

Kỷ niệm để đời đối với ông Đoàn Minh Căn, đó là chiếc lồng có chạm trổ tuyệt tác “Thập nhị hoa giáp quần tiên” với độ tinh xảo, giá trị hẩm mỹ cao đã đạt 3 giải nhất và nhiều giải cao tại các hội thi sản phẩm tiểu thủ công nghiệp do các bộ, ngành và UBND tỉnh tổ chức, từ năm 2006 đến nay. “Ngoài sản phẩm trên, hầu như tại hội thi, triển lãm nào của tỉnh tổ chức hằng năm, sản phẩm lồng chim của tui đều đạt giải cao”, ông Căn tự hào.

Lồng chim của ông Căn nổi tiếng trên thị trường Huế và không chỉ được các đại gia ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... biết đến mà còn xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Thái Lan, Hồng Kông...Có đại gia ở TP. Hồ Chí Minh cách đây mấy năm đã đặt cái lồng chim trị giá hơn 1 tỷ đồng. Cái lồng này phải huy động tất cả các thợ tay nghề cao, làm liên tục, mất hơn nửa năm mới hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng. Cơ sở ông Căn chủ yếu làm theo đơn đặt hàng. “Hầu như ngày nào cũng có sản phẩm giao cho khách hàng; mỗi cái lồng có giá từ 5 triệu đến trên 100 triệu đồng; Mỗi năm thu lãi gần 1 tỷ đồng”, ông Căn "bật mí".

Tiếng lành đồn xa, nghệ nhân Đoàn Minh Căn được nhiều thanh niên trong và ngoài tỉnh tìm đến học nghề, tính đến nay trên cả trăm người. Trong số học viên "ra lò” có chừng 20 người được ông Căn nhận làm việc ở cơ sở của mình. Hiện tại, cơ sở có hơn 20 lao động có tuổi nghề từ 10 năm trở lên, có người đến 20 năm. Nghề làm “lồng cho chim quý” đòi hỏi phải kỳ công, chủ yếu bằng thủ công nên ông Căn trả lương, thưởng khá hậu hĩnh, mỗi người trên 5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng. Thợ chạm trổ Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: “Sau khi ra nghề được thầy Căn nhận lại làm tại cơ sở, thu nhập khá cao nên anh em yên tâm làm việc”.

Năm 2007, ông Đoàn Minh Căn được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu nghệ nhân.

Tạo điều kiện để phát triển

Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Phú Vang và xã Phú Dương mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho cơ sở làm lồng chim của ông Đoàn Minh Căn, hướng đến phát triển thành làng nghề tiểu thủ công nghiệp tại địa phương. Trước mắt cần xây dựng một nhà trưng bày, mua bán lồng chim nhằm phục vụ du khách khi đến thăm nhà lưu niệm Bác Hồ, kết hợp tham quan, mua sắm.

Bài, ảnh: Hoàng Triều