Ùn tắc giao thông là hệ quả tất yếu. TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội thì thôi khỏi kể, ngay như Huế vốn nổi tiếng là yên tĩnh, trầm mặc, thong thả... thì nhiều năm gần đây cũng đã xảy ra tắc nghẽn giao thông tại không ít khu vực. Điển hình nhất là ở những tuyến đường có giao cắt với đường sắt như Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ, Trần Phú, Ngự Bình...; hay những tuyến đường vào ra Thành nội và nhất là tại các nút thắt cổng thành - vào những giờ cao điểm.

Cảnh tắc đường mệt mỏi sau mỗi lần chờ tàu hỏa như thế này vẫn thường xảy ra tại con dốc Bến Ngự (đường Phan Bội Châu)

Giờ cao điểm ở những tuyến đường trên nếu may mắn có cảnh sát giao thông trực điều tiết thì còn khả dĩ, còn nếu để người đi đường chủ động tự lo thì thôi, khỏi bình. Tôi đã nhiều lần hòa mình vào dòng giao thông tại nút thắt Trần Phú, Nguyễn Trường Tộ, cửa Đông Ba... đúng giờ tan tầm hoặc chuẩn bị cho một ngày làm việc mới và đã nếm trải "sự thống khổ" của nạn tắc đường. Những lúc ấy, dù có chở người đi cấp cứu, chở con đi thi, thậm chí cả xe cứu hỏa đi dập đám cháy thì cũng vậy thôi. Cơ quan chức năng của tỉnh đã nghiên cứu, nỗ lực quy định đường một chiều (như Điện Biên Phủ, Phan Bội Châu...), phân làn bằng cọc tiêu (đường Trần Phú, Ngự Bình...), nhưng xem chừng hiệu quả thu lại không như mong muốn. Bức bối quá, đến nỗi giám đốc Sở KH&ĐT cũng lên "phây" kêu gọi bà con hiến kế xem có cách chi tháo gỡ? Cũng đã có kế này kế khác, nhưng xem chừng chưa có kế nào sáng sủa.

Mới rồi, chợt xem một chương trình truyền hình phản ánh cách điều tiết giao thông ở Mỹ mà... sướng. Cũng trên cùng tuyến đường đó, bình thường chỉ được đi một chiều từ thành phố ra, nhưng vào những giờ cao điểm nhất định, các phương tiện tập trung đi vào thành phố nhiều, tuyến đường lại cho phép lưu thông 2 chiều để giảm áp lực cho các tuyến khác.

Hoặc có tuyến đường, sáng thì được lưu thông từ trong ra, nhưng chiều thì ngược lại, do thực tế nhu cầu giao thông dân tập trung từ trong ra đi làm, chiều lại tan sở trở về nhà. Hoặc nữa, có tuyến 6 làn đường, lưu thông chiều này 3 làn, chiều kia 3 làn. Tuy nhiên, vào thời điểm nhất định trong ngày, cảnh sát lại đến dựng biển báo, cho lưu thông chiều này 2 làn, chiều ngược lại 4 làn để phù hợp thực tế lưu lượng các luồng giao thông tại thời điểm đó; hết thời gian quy định, cảnh sát lại thay biển báo, lưu thông trên tuyến đường trở về như cũ.... Cách làm ấy linh hoạt, thông minh, hiệu quả và xem chừng rất tiết kiệm vì đã khai thác tối đa tính năng của của tuyến đường. Liệu đó có phải là giải pháp có thể áp dụng ở ta trong lúc các cổng vào - ra Thành nội chắc chắn là không ai cho phép đập bỏ hay mở rộng, đường sá chưa thể mở thêm, nguồn lực cũng chưa có để làm nhiều cầu vượt hoặc đưa tuyến đường sắt ra khỏi đô thị...?

Theo chúng tôi, nếu nghiên cứu thì việc áp dụng là hoàn toàn có thể khả thi. Đơn cử như tuyến đường Điện Biên Phủ và Phan Bội Châu. Giờ cao điểm đi làm, đi học buổi sáng, đúng lúc tàu hỏa chạy qua thì cả dòng người xe đen đặc dồn ứ ở dốc Bến Ngự từ trên xuống; trong lúc ở bên kia, đường Điện Biên Phủ mênh mông thế mà có khi chỉ thưa thớt một ít phương tiện lưu thông theo chiều ngược lại. Có tình trạng này là do 2 tuyến đường nói trên được quy định đường một chiều lưu thông theo 2 hướng khác nhau. Hoàn toàn có thể "tháo khoán" để đường Điện Biên Phủ san sẻ bớt một phần lưu lượng giao thông cho đường Phan Bội Châu vào giờ cao điểm buổi sáng; ngược lại đường Phan Bội Châu cũng có thể san sẻ bớt một phần cho Điện Biên Phủ vào giờ cao điểm buổi chiều lúc tan sở, tan trường, dòng lưu thông phần lớn đều từ trung tâm thành phố dồn lên phía tây.

Tương tự như trên, có thể nghiên cứu để phân luồng "mềm" cho các tuyến/cổng vào - ra Thành nội và một số điểm giao cắt khác. Lực lượng chức năng chắc chắn sẽ phải làm việc vất vả hơn tí xíu, nhưng bù lại, việc lưu thông đi lại của hàng vạn cư dân thành phố sẽ đỡ nhọc nhằn hơn, xã hội cũng tiết kiệm được không ít thời gian, xăng xe và ô nhiễm do nạn ùn tắc, nghẽn đường.

Trong lúc chờ hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông công cộng được đầu tư đa dạng, rộng khắp và hiện đại hóa, thì những cách làm hay của bạn bè trong điều tiết giao thông là điều rất cần học tập.

Diên Thống