Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


Trong bài viết đăng tải ngày 28/5, nguyên Đại sứ Nguyễn Thành Châu nhấn mạnh đây là chuyến thăm cấp cao thứ ba được trao đổi giữa hai nước trong vòng 3 năm gần đây và cũng là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.

Trước đó, tháng 7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có chuyến thăm lịch sử đến Mỹ và ngay sau đó, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiếp nối bằng chuyến thăm Việt Nam thành công tốt đẹp hồi tháng 5/2016.

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ hai thập kỷ trước, Việt Nam và Mỹ đã cùng tạo nên lịch sử, vượt qua tàn tích cay đắng của chiến tranh, tiến tới sự phát triển nhanh chóng và toàn diện trong hợp tác quan hệ song phương giữa hai nước.

Ví dụ, tổng kim ngạch thương mại song phương đã tăng 100 lần trong vòng hai thập kỷ. Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng tới 43%.

Quan hệ quốc phòng an ninh đang ngày càng được mở rộng, hướng tới hòa bình và ổn định khu vực. Tăng cường hợp tác quốc phòng an ninh giữa Việt Nam-Mỹ được thể hiện trên nhiều lĩnh vực như các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, bao gồm chống khủng bố, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng và gìn giữ hòa bình.

Cả hai bên cùng đánh giá cao vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại châu Á-Thái Bình Dương và đối với các thể chế khu vực, bao gồm Hội nghị Cấp cao Đông Á.

Lý giải cho việc thúc đẩy phát triển quan hệ Việt Nam-Mỹ, nguyên Đại sứ Nguyễn Thành Châu đã vạch ra 3 nhân tố chính, trong đó nhân tố đầu tiên là sự nhận thức chung rằng quan hệ đối tác thành công chỉ có thể được xây dựng dựa trên nền tảng mang tính xây dựng, công bằng, toàn diện và cởi mở.

Tuyên bố chung của Mỹ và Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam của cựu Tổng thống Obama năm 2016 đã chỉ rõ việc quan hệ Việt Nam-Mỹ ngày càng phát triển đã góp phần tích cực vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế trong khu vực cũng như xây dựng khu vực ổn định, tuân thủ luật pháp.

Thứ hai, xét trên yếu tố địa chiến lược của khu vực, Việt Nam và Mỹ đều chú trọng đến tầm nhìn bền vững và lâu dài của quan hệ đối tác hai bên.

Về mặt chiến lược, Việt Nam chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước và vùng lãnh thổ.

Từ những bài học trong lịch sử và cả những kinh nghiệm thực tế, Mỹ cũng thúc đẩy quan hệ với cả những đối tác nhỏ.

Vào thời điểm hiện tại, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi lời mời đến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúcthăm chính thức Mỹ và cũng cam kết rằng Tổng thống Donald Trump sẽ tới Việt Nam tham dự Tuần lễ Các Nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).


Các dấu hiệu tích cực này đã cho thấy sự tiếp nối và phát triển không ngừng trong quan hệ song phương Việt Nam-Mỹ.

Nhân tố chiến lược cuối cùng thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mỹ là lợi ích, có thể hiểu trên các góc độ quốc gia, song phương hay lợi ích khu vực, tùy thuộc vào các lĩnh vực hợp tác.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama khi đó đã đưa ra tuyên bố chung về “Hướng đến tương lai trong quan hệ song phương và xây dựng quan hệ đối tác toàn diện."

Cả hai nước đều khẳng định tiếp tục xây dựng mối quan hệ sâu sắc, bền vững và ổn định trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Nguyên Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Thành Châu nhận định hệ tư tưởng vẫn giữ vai trò rất quan trọng, song cũng không còn là trở ngại trong quan hệ đối tác Việt Nam-Mỹ.

Cùng nhau đảm bảo hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực chính là nguyên tắc chiến lược vào giai đoạn này./.

Theo Vietnam+