Phòng chống dịch bệnh trên đàn heo, kiểm soát chất lượng thịt từ trang trại đến bàn ăn

Kiểm soát các điểm giết mổ tự phát  

Do giá heo xuống thấp, ở một số địa phương, xuất hiện tình trạng người dân tự thành lập các điểm giết mổ nhỏ lẻ, tự cung tự cấp trong các thôn xóm. Điều này góp phần giải quyết lượng thịt heo đang tồn đọng trong dân nhưng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh trên đàn nuôi và mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Tại xã Phú Dương (Phú Vang), từ đầu năm 2017, xuất hiện một số điểm giết mổ thủ công bò, heo nằm trong khu dân cư đã bị cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên đến nay, việc thuê người giết mổ heo trong các gia đình rồi chia thịt cho các hộ vẫn tồn tại. 

Bà Lê Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã Phú Dương thông tin, trên địa bàn xã hiện nay chỉ có một lò mổ gia súc, gia cầm (GSGC) tập trung tại thôn Thạch Căn. Công suất của lò mổ này 40-50 con heo/ngày. Từ khi hai lò mổ nằm trong khu dân cư thuộc địa bàn TP. Huế bị đóng cửa, lượng gia súc đổ về đây nhiều (khoảng 15-20 con/ngày), nên lò mổ quá tải, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong khi chờ UBND tỉnh xây dựng lò mổ tập trung mới, địa phương tăng cường kiểm soát, khuyến cáo người dân không nên tự giết, mổ heo, bò bên ngoài vì gây nguy cơ mất VSATTP và dịch bệnh trên đàn nuôi.

Cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng heo tại một điểm giết mổ

Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn heo trên địa bàn huyện có hơn 35.700 con. Trước tình trạng xuất hiện các điểm giết mổ thủ công, UBND huyện quán triệt chính quyền các xã phối hợp với lực lượng thú y huyện tăng cường kiểm soát và có chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

T.S Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh thừa nhận, tình trạng giết mổ GSGC nhỏ lẻ khiến việc quản lý khó khăn và nguy cơ mất ATVSTP. Ông Hưng thông tin, hiện trên địa bàn tỉnh có 36 điểm giết mổ GSGC tập trung. Các cơ sở giết mổ được phân bố đều từ miền núi xuống đồng bằng, bình quân mỗi huyện có từ 5-7 điểm giết mổ, thuận lợi cho người dân. Ngoài tăng cường kiểm soát, chế tài xử lý, Chi cục CN&TY  khuyến cáo, hướng dẫn người dân nên đưa GSGC đến các lò mổ tập trung, được chính quyền cấp phép. Bởi, ở những khu vực này có kiểm soát các dư lượng chất cấm, đóng dấu thú y lưu hành trên thị trường, đảm bảo VSATTP.

Quầy heo sạch bình ổn giá

Vừa qua, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Huế (gọi tắt công ty) đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc đề xuất các cơ quan ban ngành làm cầu nối giúp doanh nghiệp (DN) và các tiểu thương kinh doanh thịt heo nâng cấp từ các sạp kinh doanh thịt bình thường lên hình thức kinh doanh sạp thịt sạch, có sự kiểm soát chặt chẽ của ngành thú y từ trang trại đến bàn ăn.

T.S Nguyễn Văn Hưng cho biết, hiện nay, có 7 DN, trang trại hình thành mô hình chuỗi liên kết, liên doanh với nông dân để tiêu thụ thịt heo. Trước đề xuất của công ty, chi cục đã thống nhất chủ trương và có một số hướng dẫn để đảm bảo ATVSTP cung cấp cho người tiêu dùng và nâng cao thương hiệu thịt của công ty. Chi cục cũng yêu cầu các sạp thịt bán hàng của công ty phải có giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận quầy hàng đủ điều kiện ATVSTP; gia súc từ trang trại của công ty chuyển đến các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh nằm dưới sự kiểm soát của cơ quan thú y. Việc triển khai được các quầy bán thịt bình ổn giá có sự liên kết giữa DN và hộ chăn nuôi nhằm góp phần tăng cường tiêu thụ lượng thịt đang dư thừa, giảm chi phí trung gian, thịt heo đến tay người tiêu dùng sẽ giảm giá.

“Rút kinh nghiệm từ các địa phương, để mở các quầy thịt heo sạch bình ổn giá, ngoài quản lý về mặt nhà nước của ngành, cần có sự chung tay của các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho các quầy kinh doanh sạch, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh không lành mạnh, làm mất trật tự trong kinh doanh”, TS. Nguyễn Văn Hưng đề xuất.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, sở đã báo cáo đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương, cho phép các cơ quan ban ngành liên quan của tỉnh làm cầu nối giúp công ty và các tiểu thương kinh doanh thịt nâng cấp từ kinh doanh sạp thịt bình thường lên hình thức kinh doanh sạp thịt sạch. Sở yêu cầu Chi cục CN&TY kiểm tra giám sát quy trình chăn nuôi tại các trại chăn nuôi gia công của công ty trên địa bàn và cấp giấy chứng nhận VSATTP cho các trang trại; tổ chức tập huấn cấp giấy chứng nhận kiến thức ATVSTP cho các tiểu thương kinh doanh thịt; tạo điều kiện cho công ty đưa heo từ trang trại đến cơ sở giết mổ tập trung dưới sự kiểm soát của cơ quan thú y.

Ông Phan Hùng Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định, sở đang chỉ đạo các chợ, làm việc với hệ thống các siêu thị tạo điều kiện cho công ty triển khai các quầy bán thịt sạch; chủ trì tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách, khuyến khích thương nhân mở rộng mạng lưới kinh doanh thịt sạch, phát triển các mối liên kết kinh tế trong quá trình lưu thông thịt sạch ổn định; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về cạnh tranh, chống độc quyền, bán phá giá và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Hà Nguyên