Mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang được TP. Huế hướng đến
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Giữa tháng 5/2017, tại phường Thủy Biều, TP. Huế bắt đầu triển khai 2 dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đó là dự án của doanh nghiệp Yên Hà Hương Giang được đầu tư trên diện tích khoảng 2000 m2 và dự án do ông Trương Như Hải hợp tác với 4 hộ nông dân xây dựng trên diện tích 1500 m2. Trong đó, dự án của ông Trương Như Hải hiện đã được tiến hành triển khai và có thể được xem là thí điểm đầu tiên về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Huế.
Dự án gồm nhà kính rộng 1300 m2 do công ty nhà màng Watanabe Pipe Việt Nam thiết kế và thi công, ứng dụng công nghệ tiên tiến tưới nhỏ giọt và hệ thống làm mát của Israel. Ông Trương Như Hải, chủ đầu tư dự án cho biết, ưu điểm của mô hình trồng trọt này là không phụ thuộc vào thời tiết do có hệ thống làm mát, tạo điều kiện canh tác cây trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Hệ thống tưới nhỏ giọt còn có thể kiểm soát được hoàn toàn dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng nên sản phẩm an toàn. “Nhờ sự hỗ trợ của thành phố nên dự án triển khai nhanh, đến thời điểm này đã xây dựng xong phần nền móng và tiến hành lắp đặt hệ thống nhà dàn. Dự kiến khoảng 15/6 sẽ hoàn thành xong việc lắp đặt và cuối tháng 6/2017 sẽ đi vào hoạt động”, ông Hải cho biết.
Ông Đồng Sỹ Toàn, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Huế cho biết, với các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo Quyết định của số 32/2016 của UBND tỉnh, doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp sau đầu tư, với mức như dự án ở phường Thuỷ Biều có thể hưởng kinh phí hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng. Đây là chính sách chung của tỉnh nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016-2020.
Hướng đến nền nông nghiệp đô thị
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế mang tính thời đại. Với việc xác định mục tiêu phát triển TP. Huế là sinh thái - cảnh quan - thân thiện với môi trường thì phát triển mô hình nông nghiệp đô thị ở các khu vực vùng ven chính là gắn với quy hoạch vành đai xanh của thành phố, cũng là tiêu chí quan trọng trong định hướng phát triển “đô thị sinh thái”, “đô thị xanh”, hướng tới chiến lược quy hoạch và xây dựng đô thị Huế phát triển bền vững, có môi trường và cảnh quan thân thiện với thiên nhiên. Đối với mục tiêu này, phát triển nông nghiệp đô thị thực sự là một giải pháp hiệu quả, bởi nông nghiệp đô thị sẽ tạo ra hệ thống cảnh quan, các vành đai xanh, trong đó có các yếu tố như cây xanh, công viên, mảng xanh và đặc biệt đó là các vành đai xanh bao quanh ven đô.
Theo ông Đồng Sỹ Toàn, xây dựng nền nông nghiệp đô thị là một định hướng rất quan trọng, cần thiết trong tiến trình đô thị hóa của Huế. Một khi được quy hoạch và có chiến lược phù hợp sẽ tận dụng quỹ đất và sức lao động dôi dư giải quyết bài toán việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư đô thị. Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị còn cung ứng nhiều dịch vụ khác như cây xanh, hoa tươi, thực phẩm cho các nhà hàng, khách sạn, thậm chí còn có thể trở thành một sản phẩm du lịch thú vị cho những du khách yêu thích và muốn tìm về với đồng ruộng. Việc sản xuất tại chỗ góp phần quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu chi phí cho đóng gói, vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch, từ đó giá thành, chất lượng sản phẩm được đảm bảo.
Trở ngại lớn nhất của việc triển khai nông nghiệp đô thị là phải hướng đến nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao với tỷ suất đầu tư cho dự án lớn. Vấn đề quan trọng khác chính là thị trường, điều này ngoài sự chủ động của người nông dân và doanh nghiệp, nhà nước cần giữ vai trò kết nối, trong đó tính toán tìm đầu ra ở các cơ sở du lịch cao cấp và xuất khẩu ra các thị trường khó tính.
QUANG PHONG