Tết Mồng năm của người Việt lại gắn liền với ngày giỗ của mẹ Âu Cơ. Lưu truyền câu ca:“Tháng Năm ngày Tết Đoan dương/Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”. Lại có tích xưa, sau vụ mùa, nông dân đang ăn mừng, nhưng bỗng gặp cảnh sâu bọ kéo đến phá hoại. Đang rất đau đầu, bỗng có ông lão từ xa tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản, gồm có bánh tro, trái cây và sau đó ra trước nhà vận động thể dục. Mọi người làm theo, chỉ một lúc sâu bọ chết hết. Để tưởng nhớ, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi nó là “Tết Đoan ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Xưa Tết Mồng năm gắn liền với nhiều chuyện lạ không tài nào giải thích được. Ví như tục bắt con thằn lằn hay ra đứng giữa sân, ngẩng mặt lên trời để người lớn nhỏ dịch chanh vào mắt với niềm tin rằng cả năm không bị đỏ mắt (?) vào giữa lúc giữa trưa, hay kéo nhau đi hái lá mồng năm, bất kể lá gì, để uống. Mâm cỗ mồng năm ở Huế phải có thịt vịt, bánh ú tro hay chè kê. Nay giản lược hầu như hết mọi lệ tục, cả món bánh ú tro phiền phức hay đọi chè kê, duy chỉ còn món thịt vịt là cứ thế mà làm, như xưa. Chưa đến mồng năm mà đi đâu cũng nghe hỏi thăm vịt năm nay ít hay nhiều, ốm hay gầy. Sau Tết cũng còn nghe chuyện, vịt mồng năm mấy con, làm món chi, ngon hay dở.

Vịt chỉ là món ăn bình dân. Thế nhưng, dịp Tết Mồng năm, món ăn này trở thành thương hiệu. Đây lúc cuối mùa thu hoạch, vịt chạy đồng có nhiều thức ăn nên chắc khỏe, thịt dày và béo. Đó cũng là cách ăn khôn ngoan của người Việt. Từ vịt, dễ dàng được chế biến thành nhiều món. Món nào cũng hấp dẫn nhưng có lẽ tiết canh, vịt luộc, cháo vịt là phổ biến, phù hợp với tính cách giản đơn của người lao động. Ngày Tết Mồng năm, khí trời nóng nực, ăn thịt vịt có tính mát, bổ là để quân bình nhiệt - hàn giữa Trời và Người. Mới hay, các món ăn mà người Việt thường dùng không phải là sự tình cờ.

Người Việt và cả người Huế mình nữa ít người biết tích xưa, nhưng cúng Tết Mồng năm thì không quên, cứ thế mà “xưa bày nay làm”. Dù làm ăn bận rộn, nhưng trưa mồng năm ai cũng cố mà về nhà. Gia đình đông vui, trước cúng và sau cấp, cho ôn mệ nhìn đó mà vui để sống thêm dăm bảy năm nữa. Cứ chuẩn bị Tết Mồng năm là tôi lại nhớ tới mạ. Mắt mờ và lưng còng, ốm đau liên miên, nhưng vào ngày Mồng năm bao giờ cũng lăng xăng lít xít, chỉ chỗ này làm việc nọ, cứ như thuở còn trẻ trung, lo lắng cho cả bầy con. Còn thằng con trai tôi năm đầu đi học xa, cả tuần trước đó đã gọi điện thoại cho mẹ, bảo con bận thi không về ăn vịt Mồng năm được, tiếc quá. Nó không quên, vài bữa nghỉ hè, mạ mua cho con con vịt thiệt to, ăn cho đã thèm nha.

Không còn cầu kỳ như xưa, Tết Mồng năm bây giờ giản tiện chỉ còn là một bữa ăn trưa của gia đình. Nó để lại bao luyến lưu về sự sum vầy, bởi đó là bữa ăn đoàn viên của những gia đình. Mẹ già ngồi chờ và sẽ buồn lắm nếu thiếu mất đi những con cháu đã rời xa tổ ấm và sự che chở của bà. Bữa ăn đoàn viên kia lại rất ngắn ngủi, không dông dài dăm bảy hôm như dịp Tết Nguyên đán. Đó cũng điều khiến ta cứ khấp khoải và đợi chờ Tết Mồng năm đến.

Đan Duy