May gì mà may, tôi ấm ức cãi thầm. Cơm rau mắm thôi ráng chịu đã đành, đến cái sự nấu cơm cũng phải gồng lưng mà… ráng! Nói ráng là bởi nấu bếp rơm, bếp trấu cực lắm; cực ngay từ khâu chuẩn bị chất đốt. Mùa lên, lúa nhà ít; gặt xong là mẹ tranh thủ đi xin rơm. Những đống rơm úa vàng do bị ngập, bị mưa không phơi kịp nắng nên người ta cho. Hậm hụi rải, trở, phơi; hậm hụi gánh về vun nọc. Nọc rơm của một tay vun phụ nữ không chuyên (là mẹ) trông rất tội: nó nghiêng nghẻo, bên phình to bên lép kẹp, chỗ lồi chỗ lõm thành tầng như ruộng bậc thang. Kệ, có chụm là ngon, đẹp xấu gì chẳng thành… tro? Mẹ quệt mồ hôi trán, cười.

Món trấu thì mang bao tới máy xay mà mua. Ít nhọc hơn chút nhưng phải tốn tiền. Nói ít chớ cái khoản “vào trấu” (hốt, dện trấu vô bao) cũng rất chi “địa ngục trần gian”: nhà trấu tối um, đùng đùng tiếng máy xay, bụi mù trời đất; vậy mà phải chui vô, ráng nín hơi xúc đổ bao, dùng cây nện chặt. Nện không chặt lỗ ráng chịu bởi chủ bán tính tiền theo bao. Xong mấy bao trấu lôi ra về nhà còn ho sặc sụa, bụi trấu tấp đầy mũi đầy mồm…

Nấu bếp rơm là “trần ai” nhất: phải đặt bếp ngoài trời cho bớt khói, bụi và đỡ nguy cơ… hỏa hoạn. Vo gạo, rửa rau, chuẩn bị mắm muối gia vị các thứ sẵn sàng mới dám nhóm bếp. Đã ngồi xuống bếp rơm thì đừng mong đứng dậy hay tranh thủ việc khác. Muốn bếp cháy liên tục phải luôn tay lùa rơm vào và cào tro ra. Từng nạm rơm bén lửa bùng lên, cháy vèo chưa đến mười giây là tắt ngóm nếu không kịp bắt sang nạm mới. Sơ ý mà để tắt bếp là phải chổng đầu thổi pho pho, bụi tro bay mù mịt. Còn nhớ lần đầu mẹ sai nấu bếp rơm, tôi loay hoay chín được bữa cơm thì mặt mũi chân tay vằn vện lọ đen xì trông chẳng khác chi… ông Táo. Nồi xoong đem nấu bếp rơm nhìn cũng thảm thương chẳng khác chi gia chủ: đen thùi lùi từ thân đến nắp. Lửa rơm bùng to, ôm hết cả nồi chứ không cháy chừng mực như bếp củi. Mùa gió tây nam thổi giật, tàn tro bay đầy nồi, ăn đâu cũng nghe khét lẹt mùi rơm…

Nấu bếp trấu “tình cảm” hơn, nhưng khổ cái công loay hoay dện lò. Lò thiếc, hình trụ đứng rỗng lòng, bên dưới có cửa thông gió. Đặt 2 cái chai tiết diện vừa tầm một thẳng đứng một nằm ngang (để giữ chỗ trống cho họng lò và cửa thông), sau đó cho trấu vào xung quanh, dện cứng. Nhẹ nhàng rút chai ra (đừng cho trấu sập), sau đó nhóm lửa bằng thanh củi nhỏ đưa vô cửa thông gió. Lửa sẽ bén trấu bùng cháy, theo họng lò đưa lên miệng lò. Bếp trấu nấu được trong nhà (bếp), lửa cháy điều độ, ít khói bụi hơn bếp rơm nhưng không thể nấu quá nhiều thứ. Lượng trấu dện trong lò có hạn, cháy hết rồi thì… chịu, muốn nấu tiếp phải dện lại chứ không thể đổ trấu vào thêm. Thêm nữa, nấu bếp trấu phải tốn củi làm “mồi” nên mẹ không cho lạm dụng. Kết quả, cơm nhà nghèo vẫn… muôn năm bếp rơm - ngoại trừ lúc đêm hôm (không dám ra ngoài) hoặc ngày mưa gió mới được “tạm tha”. Không ít lần tôi vừa nấu cơm vừa khóc với cái bếp rơm ôn vật. Mùa gió chướng, những cơn gió giật khiến lửa tạt ngửa tạt nghiêng, thốc bụi tro bay đầy mắt đầy mồm nhai nghe rào rạo. Mẹ dỗ: ráng chút con, tại nhà mình nghèo… Hôm sau, mẹ làm đồng về sớm, tất tưởi thay tôi ra ngồi “chịu trận”. Bụi tro bay trắng đầu mẹ. Mắt mẹ cũng bị khói un chảy nước, nhập nhèm…

Giờ thì bếp trấu, bếp rơm đều đã theo mẹ đi xa, rất xa…

Y Nguyên