Người dân Bangladesk sơ tán do bão Mora. Ảnh: CNN
Một quan chức cấp cao của Bangladesh cho biết, "nhiều người vẫn đang chờ di tản. Các cơ quan chức năng cũng đã đóng các sân bay và bến cảng ở những khu vực dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất".
Theo ông Khalid Mahmood, giám đốc Phòng Quản lý Thiên tai, hiện chưa nhận được báo cáo nào về số thương vong cho đến nay, nhưng một số cửa nhà đã bị hư hại và cây cối bị cuốn trôi.
CNN cho biết, người dân đang tìm kiếm nơi trú ẩn trong các trường học và các tòa nhà an toàn khác ở 17 quận ven biển. Các quan chức cũng đã thiết lập được 3.800 trung tâm cứu trợ trước khi xảy ra cơn bão.
Theo các phương tiện truyền thông của Bangladesh, nhiều nhóm y tế đã được thành lập và các bác sĩ và y tá không được nghỉ phép. Các đội cứu hộ bao gồm các thành viên của lực lượng vũ trang và các cơ quan khác cũng đã sẵn sàng.
Với khoảng 700km bờ biển, Bangladesh thường xuyên phải đối mặt với lốc xoáy và thường bị bão tố tàn phá. Nhà khí tượng học Pedram Javaheri cho rằng, 7 trong số 10 cơn bão gây tử vong hàng đầu được ghi nhận trong lịch sử đã xảy ra ở Bangladesh hoặc Myanmar.
"Sự kết hợp giữa các bờ biển dài, cơ sở hạ tầng không đầy đủ và chứa nhiều nhiên liệu trong vùng Vịnh Bengal ấm làm cho khu vực này trở nên nguy hiểm nhất trên thế giới liên quan đến các cơn lốc xoáy nhiệt đới".
Trong khi đó, ở phía nam của vịnh Bengal, Sri Lanka đang trải qua mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng, khiến ít nhất 160 người thiệt mạng và hàng chục người khác mất tích. Tuy nhiên, hai hệ thống thời tiết không liên quan đến nhau.
Tố Quyên (Lược dịch từ CNN & PressTV)