Bác sĩ Phòng khám sức khỏe cho hộ kinh doanh ăn uống trên địa bàn phường Tứ Hạ

Làm tốt nhiệm vụ

Ra trường năm 1987, anh Phòng về công tác ở Phòng Y tế huyện Hương Điền (gồm Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền) phụ trách mảng phòng dịch. Thời gian đầu không khỏi lúng túng trong công việc, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu nghề, anh đã vượt khó khăn và tự khẳng định mình. Năm 1992, sau tách huyện, anh biên chế ở TTYT Hương Trà. Để làm tốt chuyên môn, anh làm vừa tiếp tục học để hoàn thành tấm bằng bác sĩ đa khoa vào năm 1995.

Anh chia sẻ, phòng dịch là nghề đi nhiều. Đi để thu thập thông tin, báo cáo tham mưu đề xuất lãnh đạo xây dựng kế hoạch chủ động phòng dịch theo mùa, theo năm. Ngày trước, giao thông đi lại ở địa phương cách trở. Mỗi khi về các xã biển hay lên miền núi mất hơn nửa ngày đường, nhưng anh ít khi vắng mặt. Lúc thì phối hợp cán bộ địa phương tuyên truyền vận động bà con ăn chín uống sôi, vệ sinh môi trường, lúc lại tập huấn phòng dịch vì đa phần người dân ở vùng xa sống theo nghề rừng, hoặc đào vàng thường mắc các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và nhiều bệnh lây truyền khác. Khi có thông tin ở cơ sở xuất hiện bệnh, dịch mới nổi hay tái phát, bất chấp mưa gió, anh và các đồng nghiệp đều nhanh chóng tiếp xúc ổ dịch, điều tra dịch tễ tìm ra nguyên nhân để khống chế, xử lý. Trong đời làm nghề, không biết bao nhiêu lần phải đi sớm về khuya để lo công tác phòng dịch vùng xa.

Một kỷ niệm anh nhớ mãi là năm 2003 tại xã Hương An, địa bàn nằm cạnh TP. Huế xuất hiện dịch sốt xuất huyết dồn lên dịch tả. Chống dịch lúc này như chống hỏa, anh và các đồng nghiệp quần quật mấy ngày liền vừa xử lý ổ dịch vừa chủ động mọi phương tiện, thuốc men, mượn tạm các trường học làm “trạm dã chiến” phối hợp để điều trị và chuyển viện an toàn cho bệnh nhân. Lần khác, đúng ngày 2 Tết năm 2006, nghe tin xã biển Hải Dương có ngộ độc thực phẩm, anh đã gác những ngày sum họp gia đình, cùng lãnh đạo TTYT Hương Trà bám cơ sở giám sát và xử lý không để bà con hoang mang.

Bác sĩ Phòng chia sẻ, trong lĩnh y tế dự phòng, công tác tiêm chủng ở Hương Trà ngày trước vô cùng gian nan. Bà con ở các xã miền núi, như Bình Thành, Bình Điền... còn mơ hồ và lạ lẫm lắm. Nhiều gia đình không muốn cho con đi tiêm chủng, không tin vào tiêm chủng. Để làm tốt công việc chung, anh cùng với các cán bộ trạm y tế tổ chức thảo luận, tuyên truyền vận động, thuyết phục, đôi khi mang vắc xin đi bộ 2 - 3 cây số đường dốc, núi từ trạm đến tiêm chủng ngay tại nhà cho trẻ. Mỗi đợt tiêm chủng, anh xây dựng kế hoạch, số lượng trẻ, lịch tiêm và giám sát đảm bảo chất lượng tiêm chủng...

“Trái ngọt”

Mấy năm gần đây, với đóng góp của anh, Hương Trà không để xảy ra các dịch bệnh; dịch sốt rét được đẩy lùi. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên địa bàn luôn ở mức từ 98-100%. Nhiều đồng nghiệp mệnh danh anh là người đã “giữ cửa” tốt trong phòng  dịch ở Hương Trà. Trải qua nhiều vị trí trong công tác phòng chống dịch, năm 2000 anh được lãnh đạo TTYT Hương Trà bổ nhiệm làm Đội trưởng đội Y tế dự phòng. Để nâng cao trình độ chuyên môn, năm 2008 anh được cử đi học chuyên khoa I ngành Y tế công cộng. Có kiến thức chuyên sâu, những năm gần đây anh tạo “bệ đỡ” cho nhiều đồng nghiệp phát huy năng lực chuyên môn, tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học nhằm ứng dụng trong công tác y tế dự phòng ở địa phương.

Ngoài công tác chuyên  môn, anh còn là báo cáo viên giỏi trong các hội nghị, tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ... cho y tế thôn, tổ, các đoàn thể xã hội ở cơ sở. Mới đây, anh được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS thuộc TTYT Hương Trà.

Với những nỗ lực đóng góp trên, bác sĩ Phòng được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, thị xã và Sở Y tế. Năm 2016, anh được Bộ Y tế tặng bằng khen hoàn thành tốt lĩnh vực y tế dự phòng nhân kỷ niệm 60 năm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân giai đoạn 1956-2016.

Bài, ảnh: KHÁNH QUAN