Như vậy là đã có mốc thời gian xác định cho việc lập lại trật tự cho hoạt động này. Một thực tế được nhìn nhận là, mặc dù trên địa bàn tỉnh chỉ có 13 điểm khai thác được cấp phép cho 11 đơn vị khai thác, nhưng hoạt động này dường như đã ở trong tình trạng không quản lý được, hoặc không muốn quản lý được. Bằng chứng là người dân liên tục phản ánh về tình trạng khai thác trộm, khai thác chui, khai thác trong khung giờ không được phép; là việc hình thành các bãi tập kết cát, sỏi tự phát với cường độ hoạt động thường xuyên, liên tục. Tình trạng này kéo dài và tái diễn ngay sau khi các đợt thanh kiểm tra kết thúc; gây ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến cuộc sống, vườn tược và cả an ninh trật tự xã hội. Điều cơ bản hơn là tình trạng này còn dẫn đến việc mất mát, hao hụt nguồn tài nguyên, làm xói lở đất đai, thổ nhưỡng và về lâu dài sẽ là căn nguyên của việc thay đổi dòng chảy cùng những tác động và hệ lụy của nó. Mặt khác, việc chậm xử lý, hoặc xử lý không dứt điểm, không có những chế tài đủ mạnh cũng cho thấy yếu điểm trong công tác quản lý, giám sát; hoặc bộ máy của chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng “có vấn đề”.
Nguồn tin đã dẫn cũng cho hay, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường và các đơn vị có liên quan sớm hoàn thiện, trình UBND tỉnh phê duyệt, điều chỉnh QĐ số 936/QĐ-UBND ngày 29/5/2012 về quản lý, sử dụng các bến bãi tập kết các vật liệu xây dựng và QĐ số 770/QĐ-UBND ngày 7/5/2012 về quy hoạch khai thác cát, sỏi trên địa bàn trước ngày 20/7 này.
Như vậy có thể thấy, thời gian cho công việc lâu nhất phải thực hiện là vào ngày cuối cùng của năm 2017. Có thể xem hạn định thời gian cụ thể trong việc lập lại trật tự cả về di dời, chấm dứt hoạt động cũng như về việc điều chỉnh quản lý, quy hoạch là một “tối hậu thư” trong lĩnh vực hoạt động này mà UBND tỉnh giao cho các cơ quan chức năng sẽ phải sớm thực hiện. Việc đánh giá hiệu quả chắc chắn sẽ có thêm sự theo dõi, giám sát và phản ảnh từ phía người dân. Song, có lẽ ở đây cũng cần đặt ra yêu cầu và các hạn định kèm theo về hình thức xử lý, chế tài đối với sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm và thiếu phối hợp nếu có. Đó cũng là yêu cầu cần thiết trong tính đa chiều để tạo nên hiệu ứng và sức thuyết phục từ chất lượng cụ thể của công việc mà “các bên” cùng đồng thời tiến hành.
Nguyễn An Lê