Công khai quy hoạch khu xử lý chất thải rắn ở Phú Sơn

Tính toán kỹ CN xử lý

Trước tình trạng quá tải trong xử lý chôn lấp rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Huế và vùng phụ cận, nhu cầu xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) đang cấp bách, UBND tỉnh giao BQL Khu vực phát triển đô thị tỉnh mời thầu, chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục lựa chọn NĐT thực hiện dự án (DA).Việc lựa chọn được thực hiện trên tiêu chí: phải chọn ra được CN xử lý phù hợp với các điều kiện của địa phương và NĐT phải  đáp ứng đầy đủ về năng lực tài chính, kinh nghiệm.

Đối với CN xử lý phải đáp ứng 3 tiêu chí về CN, môi trường- xã hội và kinh tế. Về CN phải phù hợp với điều kiện rác thải rắn sinh hoạt của địa phương; mức độ tự động hóa, đồng bộ của dây chuyền thiết bị; tỷ lệ xử lý, tái sử dụng, tái chế, chôn lấp sau xử lý; khả năng tiếp nhận các loại CTR sinh hoạt, phù hợp về quy mô, mở rộng công suất xử lý; các sản phẩm thu được từ việc xử lý rác thải phải có tính thương mại cao nhằm bù, giảm chi phí xử lý rác thải. Về môi trường và xã hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường; tiết kiệm diện tích đất sử dụng; tiết kiệm năng lượng, khả năng thu hồi năng lượng trong quá trình xử lý; đào tạo, sử dụng nhân lực tại địa phương. Về kinh tế, phải có đề xuất giá dịch vụ hợp lý, phù hợp với khả năng của địa phương.

Theo phân tích của ông Hoàng Tiến Minh, Giám đốc BQL Khu vực phát triển đô thị tỉnh, với tiêu chí của tỉnh đưa ra về tỷ lệ chôn lấp sau khi xử lý xong phải dưới 3% sẽ rất khó vì tính chất, thành phần rác thải hiện nay ở các địa phương chưa được phân loại đầu nguồn. Ngay cả ở các nước tiên tiến, tỷ lệ chôn lấp sau xử lý khoảng dưới 10%. Tuy nhiên, nếu không đảm bảo tiêu chí về giảm tỷ lệ chôn lấp đến mức thấp nhất thì sẽ không tiết kiệm về đất đai, gây nguy hại cho môi trường nước.

Quan điểm của ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường vẫn thiên về ứng dụng CN đốt. Vì phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh chắc chắn sẽ không phù hợp với xu thế phát triển, thậm chí hiện tại đã phát sinh hệ lụy và gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Xử lý rác bằng phương pháp đốt hiện có rất nhiều CN, nhưng phổ thông nhất là đốt lò tự sinh nhiệt và phát điện, song đòi hỏi lượng rác lớn, từ 400 tấn/ngày trở lên.

Ưu đãi nhưng phải chọn đúng nhà đầu tư

Sau khi thống nhất CN xử lý áp dụng tại nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn, bước tiếp theo là mời gọi, lựa chọn NĐT. Theo kế hoạch của BQL, đơn vị sẽ công bố rộng rãi và gửi hồ sơ mời NĐT có CN đáp ứng tiêu chí nộp hồ sơ với đầy đủ thông tin theo mẫu, đảm bảo cho công tác xét chọn công khai, minh bạch, hiệu quả.

Theo quy định hiện hành và của UBND tỉnh, NĐT được lựa chọn để thực hiện đầu tư DA nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất. Cụ thể, NĐT được hưởng ưu đãi về đất đai như được miễn tiền sử dụng đất, được hỗ trợ về giải phóng mặt bằng và bồi thường, được hỗ trợ về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào. DA còn được hưởng ưu đãi về tiền ký quỹ, huy động vốn đầu tư; được ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường địa phương và các tổ chức tín dụng khác; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu; trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường...

Được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, nên DA đã thu hút trên 12 NĐT quan tâm giới thiệu các CN khác nhau. Ông Hoàng Tiến Minh cho biết, phần lớn các hồ sơ chỉ mang tính giới thiệu, cung cấp thông tin đơn vị, chứng nhận đầu tư… mà chưa có thuyết minh đầy đủ về CN xử lý, khả năng tiêu thụ các sản phẩm từ CN xử lý, tái chế chất thải. Do đó, BQL và các ngành không có đủ cơ sở để xem xét, đánh giá, tham mưu UBND tỉnh lựa chọn CN phù hợp để áp dụng cho nhà máy xử lý rác thải tại xã Phú Sơn.

Trong số những NĐT gửi hồ sơ, có NĐT “chào” CN đốt plasma, nhưng chưa chắc tỉnh đã chọn vì giá thành CN quá cao. Dưới góc độ quản lý về môi trường, ông Nguyễn Việt Hùng cho rằng, đốt lò plasma để xử lý rác vẫn là phương án tốt nhất, vì nhiệt độ đốt cao, đốt triệt để các loại rác, an toàn, hạn chế phát sinh ra các khí độc gấp nhiều lần so với lò đốt thông thường. Trong tương lai, khi các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh phát triển, thu hút nhiều ngành nghề hoạt động, chắc chắn sẽ phát thải nhiều loại rác và lượng rác, từ rác thông thường đến nguy hại. Hiện nay, đã có một số nơi chạy thử CN này với quy mô nhỏ, nếu tham khảo thấy được, phù hợp với điều kiện của địa phương thì tỉnh cũng nên xem xét, cân nhắc để có lựa chọn tốt về CN và NĐT có đủ năng lực.

Bài, ảnh: Hoài Thương