(Ảnh minh họa: US Visa Esta)

Ảnh minh họa: US Visa Esta

Việc áp dụng các câu hỏi phỏng vấn xin visa mới là một phần trong nỗ lực siết chặt kiểm soát những người muốn nhập cảnh vào Mỹ. Mẫu câu hỏi này được Văn phòng Ngân sách và Quản lý Mỹ thông qua hôm 23/5 vừa qua, bất chấp sự phản đối của nhiều nhóm giáo dục trong thời gian lấy ý kiến công chúng.

Họ cho rằng điều này sẽ gây thêm gánh nặng, khiến thủ tục xin visa trở nên cồng kềnh hơn, mất nhiều thời gian hơn và khiến các sinh viên và nhà khoa học nước ngoài “ngại” tới Mỹ.

Theo luật mới, các nhân viên lãnh sự quán có thể yêu cầu người xin visa cung cấp toàn bộ số hộ chiếu trước đây, lịch sử hoạt động trên mạng xã hội trong 5 năm gần nhất, địa chỉ email, số điện thoại và lý lịch trong vòng 15 năm, bao gồm địa chỉ cư trú, nghề nghiệp và lịch sử du lịch.

Người xin visa cũng có thể phải cung cấp thêm một số thông tin khác nếu nhân viên lãnh sự xét thấy có những thông tin cần được kiểm chứng để đảm bảo an ninh quốc gia.

Trước đó Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ siết chặt kiểm soát đối với những ứng viên xin visa bị nghi có liên hệ với khủng bố hoặc không đủ tư cách sở hữu visa do vấn đề an ninh.

Văn phòng Ngân sách và Quản lý Mỹ đã đẩy nhanh việc thông qua mẫu câu hỏi mới này trong vòng 6 tháng, thay vì 3 năm như thông lệ.

Mặc dù người xin visa không bắt buộc phải trả lời toàn bộ số câu hỏi này, song việc không khai báo đầy đủ có thể khiến họ mất nhiều thời gian hơn để sở hữu tấm visa Mỹ hay thậm chí là trượt visa.

Các luật sư về di trú cho rằng việc yêu cầu người xin visa khai báo chi tiết thông tin cá nhân và lịch sử sử dụng mạng xã hội có thể khiến họ vô tình mắc lỗi, bởi rất khó để một người nhớ được chính xác tất cả các thông tin mà bản khai yêu cầu.

Kiểm soát an ninh mà cụ thể là kiểm soát những người nhập cảnh vào Mỹ là một trong những cam kết mạnh mẽ nhất của Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh việc đề xuất đổ nhiều tiền hơn cho quân đội và xây dựng bức tường ngăn ở biên giới Mỹ - Mexico, ông Trump cũng đã ký ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với các công dân tới từ 6 nước có đông người Hồi giáo. Sắc lệnh này hiện đã bị “đóng băng” theo quyết định của tòa án.

Theo Dantri