Nắng quá nên dễ làm cho người ta liên tưởng, nghĩ đến biển, những con sông, dòng suối, thậm chí là đến ao hồ. Nghĩa là nghĩ đến cái sự mát mẻ.

Mà cũng không phải nghĩ nữa mà tìm cách thực hiện. Biển đông người. Suối cũng chẳng kém.

Các nhà khoa học dự báo từ nay rất khó mà “mưa thuận, gió hòa” bởi biến đổi khí hậu. Mưa thì mưa nhiều, mà nắng cũng nắng lắm. Thiên nhiên đã “trái tính trái nết” thì con người tự tìm giải pháp để thích ứng một cách tốt nhất cho mình.

Thành phố Huế là một thành phố làm rất tốt cái việc “điều hòa không gian sống”. Ngoài những gì thiên nhiên ban tặng thì một phần rất lớn là con người tạo dựng. Mật độ cây xanh ở Huế tính trên đầu người vào loại bậc nhất Việt Nam. Là một thành phố có nhiều sông, hồ, cả thiên tạo và nhân tạo. Mật độ xây dựng cũng không quá dày đặc nên nhiều nơi còn giữ được khái niệm nhà vườn. Nếu như thống nhất chất lượng cuộc sống của con người gồm nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố môi trường sinh thái (chính phủ Buhtan xem môi trường thiên nhiên là một trụ cột để đo chỉ số hạnh phúc của người dân) thì Huế có chất lượng cuộc sống người dân cũng không đến nỗi nào.

Điều đáng nói, môi trường chúng ta đang có, cả chính quyền và người dân rất biết giữ gìn. Chẳng những giữ mà còn nâng niu tôn tạo. Chính quyền tỉnh đã từng tuyên bố: “Không đánh đổi môi trường lấy dự án”. Còn người dân thì tương đối “khắt khe”. Tôi còn nhớ khi bắt đầu sửa chữa Quảng trường Ngọ Môn, tôn tạo bờ sông Hương cách đây cả chục năm cũng nhiều “tiếng ra tiếng vào”. Rồi dự án bên sông Hương, dự án đồi Vọng Cảnh. Khó như vậy chẳng qua người dân lo lắng sợ mất đi cái đẹp của Huế. Kể ra như vậy cũng rất hay, nó làm cho việc sửa chữa, tôn tạo, xây dựng… thận trọng hơn. Và rõ ràng kết quả Huế ngày càng đẹp hơn, duyên dáng hơn là điều chúng ta có thể nhìn thấy.

Bây giờ nói về các dòng sông. Ai không biết chứ với tôi bây giờ thấy các dòng sông ở Huế đẹp thật. Nó được dày công tôn tạo đôi bờ. Trước đây tôi cũng “nghi nghi” sao đường thì ít chịu làm mà lại chú tâm tôn tạo các dòng sông?! Hay là có gì đó dưới mặt nước kia? Còn bây giờ thì thấy nó đẹp, cũng bõ công để chăm chú. Cứ nhìn con sông An Cựu mà xem, chẳng khác nào một dải lụa xanh mềm uốn lượn vắt ngang thành phố. Sạch, xanh và đẹp và nề nếp. Đây là kết quả từ những nỗ lực của chính quyền thành phố Huế trong chương trình chỉnh trang đô thị. Người dân được hưởng lợi nhiều lắm từ chương trình này, cả trực tiếp và gián tiếp. Ngoài không gian sống được cải thiện, chắc chắn đất ở hai bờ sông này được lên giá. Một số khu đô thị dù nhỏ nhưng chính quyền cũng cố gắng dành đất cho hồ, công viên như khu vực ở đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và một số khu vực khác…

Các dòng sông, hồ được khơi thông, tôn tạo. Sông chảy chứ không ao tù nước đọng nên nó đẹp và sống động.

Hiện nay Huế mọc lên nhiều dự án đô thị mới. Các nhà hoạch định và đầu tư nên dành một phần quỹ đất cho việc tạo dựng cảnh quan công viên, hồ nước. Suất đầu tư có thể cao, việc giao dịch bất động sản có thể diễn ra chậm nhưng sẽ tạo ra những giá trị bền vững. Nó làm gia tăng giá trị đất trước mắt cho từng dự án và những giá trị lâu dài cho cảnh quan đô thị Huế.

Tất nhiên tất cả các dự án không thể làm như vậy cả vì còn giải quyết nhu cầu chỗ ở bức thiết của người dân trong hiện tại. Nhưng cần tính toán một tỷ lệ nào đó cho những khu đô thị kiểu nói trên. Bởi nó rất cần cho tương lai vì nhu cầu của người dân ngày mỗi phát triển chứ không bao giờ đứng yên tại chỗ.

LÊ PHƯƠNG