ONMT ở cơ sở giết mổ GMGS
Trạm GMGS tập trung Bắc Sông Hương thuộc Công ty Dịch vụ sản xuất Nông lâm nghiệp tỉnh (nay là Công ty cổ phần Nông ngư súc sản - CPNNSS - Huế) - một trong bốn cơ sở ở Huế tập trung trên 60 hộ kinh doanh GMGS riêng lẻ trong nhà dân. Do xây dựng từ năm 1998, hiện công suất hoạt động của lò mổ mỗi ngày khoảng 25 - 30 con trâu/bò và 150 con heo, nhưng cơ sở này không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
Xưởng chế biến phân vi sinh tại Trạm GMGS tập trung Bắc Sông Hương đang được tiếp tục hoàn thiện |
Chủ tịch HĐQT Công ty CPNNSS Huế cho biết, tuy hoạt động của trạm GMGS tập trung trong những năm qua đạt những kết quả tích cực, góp phần cung cấp sản phẩm an toàn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh và củng cố công tác quản lý GMGS tập trung, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở gây ra những tác động không nhỏ đối với môi trường trong khu vực, do khu đất để xây dựng lò mổ diện tích nhỏ, nằm gần khu dân cư, hoạt động GMGS mang tính thủ công, hệ thống xử lý chất thải không theo đúng cam kết, quá tải, không được vệ sinh, bảo dưỡng và vận hành theo đúng quy định nên hầu như không còn tác dụng xử lý. Quá trình hoạt động, hạ tầng của cơ sở xuống cấp trong lúc khả năng tài chính của doanh nghiệp khó khăn, diện tích đất không lớn và có nguy cơ bị thu hẹp nên việc cải tạo, nâng cấp không thể thực hiện. Do đó, cơ sở hiện không đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật, vệ sinh môi trường cũng như tạo nguồn thực phẩm sạch cho xã hội.... Mặt khác, cơ sở GMGS không còn bảo đảm khoảng cách an toàn sinh học cho khu vực dân cư và nơi giao thông có người qua lại theo quy định.
Nước thải ở nhà máy tinh bột sắn xử lý không đạt yêu cầu
Nhà máy tinh bột sắn Phong Điền thuộc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thực phẩm và Đầu tư FOCOSEV (gọi tắt Công ty FOCOSEV) hoạt động từ năm 2004 với công suất thiết kế khoảng 60 tấn thành phẩm/ngày và được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy trước đây, doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nhưng việc xử lý nước thải không đạt hiệu quả, gây ONMT, ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của các hộ dân xung quanh. Theo Giám đốc Chi nhánh Công ty FOCOSEV Nguyễn Đình Hưng, hiện, doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống Cigar (Thái Lan) với kinh phí khoảng 200 triệu đồng để xử lý nước thải tại hồ số 1, sau đó nước đi qua hệ thống ba hồ sinh học rồi dẫn theo mương xây dài 1.200m và chuyển hướng dòng chảy về từ khu vực ruộng lúa của các đội 1 và 2 (Đồng Lâm, Phong An) vào Khe Mây (Thượng An, Phong An). Hệ thống Cigar giúp doanh nghiệp sử dụng 100% khí đốt sinh ra từ hệ thống này, thay thế hoàn toàn việc đốt bằng than đá và dầu FO thải ra khí thải gây ONMT.
Tuy nhiên, khi mới đặt chân vào nhà máy và cả đến lúc tiếp cận với hệ thống xử lý nước thải tại đây, chúng tôi cảm nhận rất rõ mùi hôi thối vây quanh trong không khí và nước thải ra bên ngoài. Qua kiểm tra kết quả phân tích mẫu nước của Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT - Sở TN&MT) cho thấy, nước thải sau xử lý của doanh nghiệp không đạt yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp và các chỉ tiêu khác đều vượt giới hạn cho phép. Do vậy, cơ quan này yêu cầu doanh nghiệp có phương án tăng cường xử lý mùi hôi phát sinh từ khâu sản xuất của nhà máy.
Chưa giám sát môi trường định kỳ ở mỏ đá Granit
Mỏ đá nằm trên đường về cảng Chân Mây tại địa điểm Đá Chuông (Lộc Vĩnh, Phú Lộc) là nơi khai thác và chế biến đá granit làm vật liệu xây dựng thông thường với công suất khai thác 40 ngàn m3/năm, tọa lạc tại khu vực núi Giòn (Lộc Vĩnh) cùng với Trạm bê tông nhựa nóng hoạt động tại đây, do Xí nghiệp Khai thác và Chế biến đá Phú Lộc thuộc Công ty cổ phần Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình tỉnh (gọi tắt Công ty QLĐB&XDCT tỉnh) quản lý. Trước mắt chúng tôi là khu đất với diện tích gần 5 ha được Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 và phê duyệt cam kết BVMT sau đó hơn một năm với tổng số tiền ký quỹ hơn 43 triệu đồng. Hiện máy móc, thiết bị tại Trạm nghiền đá đã cũ, công nghệ ở mức dưới trung bình và nhiên liệu sản xuất là dầu diesel với lượng sử dụng khoảng 7 ngàn lít/tháng. Quá trình hoạt động, chúng tôi nhận thấy do thiết bị mài mòn nên cơ sở phát sinh bụi đá, tiếng ồn do bắn mìn và ONMT nhưng ảnh hưởng không đáng kể đến khu vực dân cư hẻo lánh xung quanh. Tuy đơn vị xây dựng hệ thống tưới nước tăng cường dập bụi tại các trạm nghiền sàng để hạn chế lượng bụi ở khu vực khai thác, chế biến đá và trồng cây xanh, nhưng qua kiểm tra, cơ sở này chưa thực hiện giám sát môi trường định kỳ tại khu vực sản xuất theo cam kết; đồng thời, chưa thu gom chất thải nguy hại phát sinh và chưa kê khai, đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định.
Giải pháp khắc phục
Từ năm 2009, Công ty CPNNSS Huế đề nghị các UBND tỉnh, TP Huế cùng các Sở TN&MT, Nông nghiệp và PTNT, Tài chính và Chi cục Thú y tỉnh nghiên cứu cấp thêm khoảng 5 ngàn m2 đất để nhốt trâu, bò và mở rộng trạm GMGS theo chính sách ưu đãi của Nhà nước. Hiện, tốc độ đô thị ngày càng phát triển, các khu dân cư, đường sá và khu công nghiệp chỉnh trang lại nên lượng đất của Công ty CPNNSS Huế bị Nhà nước thu hồi gần 2.300 m2 sẽ phá vỡ quy trình của trạm GMGS. Bởi vậy, doanh nghiệp tiếp tục đề nghị các cơ quan, ban ngành nói trên nghiên cứu xem xét cho chuyển đổi đất theo chính sách ưu đãi của Nhà nước thông qua việc di dời các trạm GMGS tập trung Bắc Sông Hương và Nam Sông Hương (Xuân Phú, Huế) đến phần cuối Khu công nghiệp Hương Sơ. UBND TP Huế cũng đã lập đề án di dời cơ sở đến địa điểm mới, song đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Đối với tình trạng ONMT ở Nhà máy tinh bột sắn Phong Điền, Đoàn kiểm tra về công tác BVMT mới đây yêu cầu Chi nhánh Công ty FOCOSEV thực hiện nghiêm túc các biện pháp BVMT trong quá trình hoạt động theo đúng quy định của Luật BVMT; đồng thời, đề nghị doanh nghiệp cần có các biện pháp hiệu quả hơn trong xử lý mùi hôi từ quá trình hoạt động của nhà máy và có văn bản đề nghị được điều chỉnh hệ thống xử lý nước thải theo thực tế.
Tại mỏ đá đường về cảng Chân Mây, Đoàn kiểm tra về công tác BVMT đã yêu cầu Công ty QLĐB&XDCT tỉnh thực hiện nghiêm túc các biện pháp BVMT trong quá trình hoạt động theo đúng quy định của Luật BVMT; đồng thời, đề nghị giám sát môi trường tại khu vực sản xuất theo cam kết và kê khai, đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định. Theo Phó Giám đốc Công ty QLĐB&XDCT tỉnh Lê Bá Dũng, vừa qua, Trạm bê tông nhựa nóng tại đây được vận chuyển đến vị trí mới nên tình trạng ONMT được khắc phục một cách khả quan.
Giám đốc Công ty CPNNSS Huế Hồ Xuân Cường:
Đề xuất danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2013
Nhằm chỉnh trang, cải tạo các hạng mục cơ sở GMGS tập trung đáp ứng một số nội dung chính sách các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành, gần đây, Công ty CPNNSS Huế đề xuất danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2013 gửi Phòng Kinh tế TP Huế xem xét. Theo đó, dự án hệ thống thiết bị sản xuất phân vi sinh với công suất dây chuyền 5 tấn sản phẩm/ngày nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ với tổng giá trị hơn 850 triệu đồng nhằm giải quyết ONMT, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế lây lan dịch bệnh cho con người và động vật và đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.
Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường Nhà máy tinh bột sắn Phong Điền Nguyễn Hải Đăng:
Thuê thêm đất để đầu tư bổ sung hồ xử lý nước thải
Để tăng cường đầu tư hệ thống xử lý nước thải với giải pháp khắc phục tình trạng nước thải gây ONMT và ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng ở vùng phụ cận nhà máy, Công ty FOCOSEV có kế hoạch thử nghiệm trồng cỏ Vetiver để xử lý nước thải tại các hồ sinh học; đồng thời, lập dự án đầu tư để chuẩn bị xây thêm hồ biogas thứ hai với tổng kinh phí khoảng 16 tỷ đồng nhằm tăng hiệu quả xử lý nước thải, giảm mùi hôi cũng như tận dụng nguồn khí gas vào phục vụ sản xuất tinh bột sắn. Mặt khác, doanh nghiệp cũng đang lập thủ tục đo đạc hiện trạng để có cơ sở trình các cấp tỉnh, huyện và các ngành liên quan tạo điều kiện cho phép thuê thêm 15 ha đất tại khu vực Khe Mây để đầu tư thêm hồ xử lý nước thải đầu ra của nhà máy trước khi vào kênh dẫn.
Giám đốc Xí nghiệp Khai thác chế biến đá Phú Lộc Trần Đăng Quảng:
Trạm bê tông nhựa nóng được tháo dỡ, vận chuyển đến địa điểm mới
Thật ra, vấn đề ONMT tại mỏ đá granit trên đường về cảng Chân Mây chủ yếu do hoạt động của Trạm trộn bê tông nhựa nóng công suất 50T/h tại Phú Lộc gây ra. Để bảo đảm việc khai thác và chế biến của trạm trộn này hoạt động lâu dài; đồng thời, hạn chế bớt các tác động tiêu cực đến môi trường, cảnh quan, bảo đảm sức khỏe lâu dài cho nhân dân và công nhân làm việc trên công trường, cuối tháng 8-2011, công ty hợp đồng với Công ty cổ phần Cơ khí Phú Xuân để cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị lọc bụi Trạm trộn bê tông nhựa nóng với giá khoán trọn gói hơn 650 triệu đồng. Tuy nhiên, gần nửa năm sau, hệ thống này vận hành không đạt yêu cầu kỹ thuật theo hợp đồng đã ký nên đôi bên thống nhất thanh lý hợp đồng.
Trước tình hình đó, giữa tháng 5/2012, Công ty QLĐB&XDCT tỉnh hợp đồng với Công ty TNHH Cơ khí thiết bị và Công nghệ HKT thi công tháo dỡ trạm bê tông nhựa nóng nói trên vận chuyển đến vị trí mới tại Khe Ly, Hương Thọ (Hương Trà), lắp đặt hoàn thiện đúng theo yêu cầu và hoạt động hơn ba tháng sau đó.
Bùi Vĩnh |