Kỷ niệm về những ngày làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa lớn của ông Phan Cảnh Tiệp (bên phải) là những tấm Kỷ niệm chương do Quân chủng Hải quân trao tặng

1. Năm 1981, chàng trai trẻ 21 tuổi Trần Đình Xuân ở thôn An Xuân Bắc gia nhập quân ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, anh được biên chế vào Lữ đoàn 146 – Quân chủng Hải quân. Ông Trần Đình Xuân nhớ lại. "Một sáng tháng 8/1981, chiếc tàu mang số hiệu HQ 602 – Quân chủng Hải quân rời cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) đưa tôi cùng các chiến sĩ ra làm nhiệm vụ ở đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải sẵn sàng chiến đấu dù bất cứ hoàn cảnh nào để giữ đảo”.

Khi xuất ngũ trở về, ông Trần Đình Xuân được chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ. Biết ông có đam mê cây cảnh, UBND xã tạo điều kiện cho ông tham gia các lớp tập huấn trồng, chăm sóc cây cảnh do huyện tổ chức. "Từ đó đến nay, ngoài làm ruộng, chăn nuôi heo, gia đình tôi sống chủ yếu dựa vào kinh doanh cây cảnh. Hiện trong vườn cây cảnh của gia đình có 700 chậu cây các loại, trong đó, có 150 chậu mai vàng Huế. Ngoài ra, tôi còn nhận chăm sóc cây cảnh thuê cho các gia đình khác. Bình quân mỗi tháng tôi thu nhập được 6 triệu đồng. Riêng buôn bán cây cảnh cũng cho gia đình thu nhập thêm từ 60 đến 70 triệu đồng/năm",  ông Trần Đình Xuân phấn khởi.

Hội CCB xã Quảng An hiện có 193 hội viên, sinh hoạt ở 7 chi hội, những có đến 59 hội viên có đời sống kinh tế khá, giàu, số còn lại có mức sống trung bình trở lên.

2. Đang là trưởng thôn kiêm công an thôn Phú Lương B, cận kề Tết Nhâm Tuất 1982, thanh niên Phan Cảnh Tiệp tạm biệt gia đình, người thân, bà con làng xóm lên tàu HQ 604 ra đảo Trường Sa lớn làm nhiệm vụ cao cả. Là người năng động, nhanh nhẹn nên Phan Cảnh Tiệp được đơn vị phân công làm Trung đội phó Trung đội 1 – Đại đội Công binh chiến đấu thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Sau khi kết thúc nhiệm vụ ở đảo Trường Sa lớn, tháng 8/1984 trở về địa phương, ông Phan Cảnh Tiệp cùng người thân tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình. Giờ ông đã sắm được 3 chiếc máy cày để làm dịch vụ nông nghiệp, đồng thời kết hợp trồng lúa, chăn nuôi, trồng cây hoa màu cho thu nhập 100 triệu đồng/năm.

"Sau khi xuất ngũ, tôi tập trung tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Nghề nông vẫn là chủ yếu. Tuy khó khăn, vất vả nhưng siêng năng, chăm chỉ thì không lo đói, mà còn khá giả. Hội Nông dân và Hội CCB xã là chỗ dựa vững chắc để tôi và gia đình nỗ lực cố gắng vươn lên trong cuộc sống", ông Tiệp tâm sự.

3. Nhiều năm nay, ông Phan Cảnh Cường, nguyên chiến sĩ tàu HQ11 làm nhiệm vụ tuần tiễu trên quần đảo Trường Sa ở thôn Phú Lương B được chính quyền, Hội Nông dân, Hội CCB xã tạo điều kiện vay vốn làm ăn. Nhờ biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, nên lúa, hoa màu của gia đình ông luôn đạt chất lượng, năng suất cao. Tuy thời điểm này giá heo hơi thấp, nhưng đàn heo của gia đình ông vẫn không ngừng tăng về số lượng.

Ông Cường chia sẻ: "Để có thêm thu nhập, tôi bàn với vợ vay ít vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xây dựng cơ bản. Làm ăn uy tín, lại có nghề trong tay, nên tôi nhận được nhiều hợp đồng xây dựng kênh mương nội đồng, công trình thủy lợi, làm đường bê tông nông thôn mới. Từ kinh doanh máy thổi lúa, làm thêm các công trình xây dựng cơ bản tại địa phương, trồng 12 sào lúa… đã cho tôi thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/năm”.

Bài, ảnh: Anh Phong