Gia đình chị Nguyễn Thị Nàng tập trung chăm sóc cây cao su để tăng thêm thu nhập

Thôn Mu Nú của xã Hương Nguyên có tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Việt cũng như nhiều hộ khác trong thôn sản xuất không đủ ăn, năm nào cũng thiếu đói trong thời gian giáp hạt, nhà cửa tạm bợ. Sau khi được các ban, ngành địa phương hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế hộ, từ một vùng lau lách, nay ông Việt đã có 5 ha cây cao su, 10 ha rừng tràm, 1 ha lồ ô, mấy sào hồ cá cho thu hoạch quanh năm. Được hướng dẫn hạch toán chi tiêu, tích lũy và tái đầu tư, ông mở rộng chăn nuôi thêm bò đàn, lợn giống...

Khi thấy điều kiện sản xuất của bà con còn nhiều khó khăn, ông dốc vốn sắm 2 máy cày, 1 máy bơm nước và nhiều phương tiện sản xuất khác để làm dịch vụ khâu làm đất, tưới tiêu, bón phân, diệt cỏ… Ước tính từ các nguồn thu nhập, mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng. Trưởng thôn Mu Nú Nguyễn Đình Biên phấn khởi: "Nhờ các ban, ngành quan tâm tạo điều kiện tập huấn quy trình sản xuất, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống... nên nhiều hộ trong thôn đã có hướng làm ăn mới, thoát khỏi hộ nghèo".

Khác với Mu Nú, thôn A Rí có điều kiện phát triển dịch vụ nên địa phương tập trung vận động, hỗ trợ bà con nghèo đầu tư kinh doanh thêm dịch vụ thương mại. Chị Nguyễn Thị Nàng, ở thôn A Rí, vừa bán hàng cho khách vừa bảo: “Đời sống bà con nay đã khá hơn nên gia đình em buôn bán rất thuận lợi, đủ trang trải cho các con học hành đến nơi đến chốn...”.

Hương Nguyên là một xã biên giới đặc biệt khó khăn, toàn xã hiện có 338 hộ, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua kết quả điều tra theo chuẩn mới, số hộ nghèo và cận nghèo của xã trên 160 hộ, chiếm tỷ lệ trên 45%. Từ khi triển khai kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 của UBND huyện A Lưới, địa phương đề ra nhiều chương trình, kế hoạch tập trung việc phát triển kinh tế hộ gia đình, ưu tiên tiêu chí nâng cao thu nhập cho đồng bào. Trong đó, cấp ủy, chính quyền xã tạp trung công tác tuyên truyền nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo cho đồng bào; đồng thời, tăng cường hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo nguồn vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề cho người nghèo, xây dựng thí điểm mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế để nhân rộng.

Chính quyền xã chủ động trong việc tổ chức thực hiện chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, điều tra, khảo sát nhu cầu chuyển đổi sản xuất của bà con và liên kết xây dựng mô hình về khuyến nông, khuyến lâm phù hợp với đặc điểm của địa phương. Bí thư Đảng ủy xã Hương Nguyên, Hồ Xuân Phòng cho biết: “Địa phương còn chú trọng xây dựng mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với dịch vụ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần lao động phi nông nghiệp trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 16 triệu đồng/năm...”.

Nhằm tập trung tiêu chí nâng cao thu nhập trong tiến trình giảm nghèo, UBND xã Hương Nguyên tăng cường công tác lập quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại… Trên cơ sở được đầu tư về hạ tầng, địa phương linh động huy động nguồn vốn mở các tuyến đường dân sinh nhằm tạo điều kiện bố trí giãn dân, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc người dân khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

Bài, ảnh: Quốc Tuấn