Tại nhiều địa phương, người dân đang đối mặt với nạn sạt lở đất nghiêm trọng và thủy hải sản chết gây thiệt hại lớn… Sự thật nhãn tiền này đòi hỏi có sự nỗ lực chung tay hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường sống, mang lại lợi ích cho cộng đồng, quốc gia.

Không phải đến hẹn lại lên mà công tác bảo vệ môi trường luôn được Chính phủ và các cấp bộ, ngành, từ trung ương đến các địa phương quan tâm từ lâu. Song, vì cái lợi trước mắt mà nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng xâm phạm môi trường; cộng với sự chủ quan trong công tác quản lý ở một số nơi đã gây ra những thảm cảnh về môi trường nghiêm trọng. Đó là nạn phá rừng, khai thác nước ngầm quá mức, khai thác cát sỏi ồ ạt ở các dòng sông, xả thải chưa qua xử lý ra môi trường…

Sự “phản kháng” của môi trường khiến người dân bị tổn thương rất rõ. Dư luận không khỏi xót xa khi hàng trăm ngàn con tôm hùm, với tổng trọng lượng gần 400 tấn của người dân nuôi ở vịnh Xuân Đài, Phú Yên bị chết trong tuần qua, thiệt hại ước gần 700 tỷ đồng; hàng trăm người dân bị rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Trong lúc nguyên nhân được ngành chức năng địa phương đưa ra còn chung chung như hàm lượng ô xi hòa tan thấp; nhiệt độ trong nước, hàm lượng chất hữu cơ và sulfua cao, nước có mùi hôi tanh… thì người dân cho rằng, chính công ty chế biến hải sản gần đó xả thải thẳng ra ra vịnh gây ô nhiễm làm chết tôm…

Sự mất cân bằng sinh thái ngoài ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất của người dân, còn gây ra những hậu quả thảm khốc khác, mà nổi cộm nhất trong thời gian gần đây là tình trạng sạt lở đất ở các bờ sông, bờ biển. Chúng ta không khỏi lo lắng khi từ đầu năm đến nay đã có hàng trăm ha đất của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị cuốn xuống sông, xuống biển, làm hàng ngàn hộ dân bị đe dọa. Riêng ở Cà Mau, có khoảng 150 km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, bình quân mỗi năm mất khoảng 450 ha đất ven biển, làm mất rừng phòng hộ, đe dọa đến đời sống và sản xuất của người dân, các công trình xây dựng cơ bản ven biển…

Môi trường bị xâm hại và rất nhiều hệ lụy của nó đang bày ra trường mắt. Ngày Môi trường thế giới năm 2017 với chủ đề “Sống hài hòa với thiên nhiên”, nhằm kêu gọi, khuyến khích cộng đồng gắn bó hữu cơ với thiên nhiên, từ đó cảm nhận vẻ đẹp cũng như tầm quan trọng của nó đối với cuộc sống, đồng thời chia sẻ, tiếp nối lời kêu gọi bảo vệ Trái đất, bảo vệ mối quan hệ hài hòa và bền vững giữa con người và thiên nhiên…

Ngày 18/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đây là công cụ hữu hiệu góp phần xây dựng một môi trường trong lành, bền vững, tạo sự hài hòa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ cuộc sống cho người dân và cả cộng đồng.

Đặng Thành