Rạn san hô Great Barrier đang đối mặt với nhiều mối đe doạ. Ảnh: AP
Tiến trình hướng tới việc đạt được các mục tiêu về chất lượng nước bị chậm lại, và Australia có nguy cơ trượt khỏi mục tiêu năm 2050, UNESCO lên tiếng cảnh báo trong một dự thảo đánh giá các di sản thế giới được chuẩn bị trước thềm một cuộc họp ở Krakow, Ba Lan vào tháng 7 tới.
Kế hoạch Rạn san hô 2050 của Australia được công bố hồi năm 2015 và là một phần quan trọng trong các nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn việc di sản thế giới này bị liệt vào danh sách "nguy hiểm" của Liên Hiệp quốc.
Một đánh giá tiêu cực đối với rạn san hô Barrier Reef - nằm ngoài bờ biển phía đông bắc Australia - sẽ gây lúng túng cho chính phủ và làm tổn hại đến ngành công nghiệp du lịch béo bở của nước này.
Rạn san hô nổi tiếng Barrier Reef đang phải đối mặt với một số mối đe doạ, bao gồm chất lượng nước kém do biến đổi khí hậu, đánh bắt cá bất hợp pháp và sự phát triển vùng ven biển.
Sự trở lại của hiện tượng tẩy trắng san hô do biến đổi khí hậu và El Nino gây ra trong 2 năm qua đã tàn phá phần lớn các rạn san hô.
Theo Reuters, UNESCO ca ngợi sự ra đời và hiện thực hoá kế hoạch của chính phủ Australia, cũng như chiến lược đầu tư trị giá 1,28 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, tổ chức này cũng lưu ý rằng, một đạo luật quan trọng vẫn chưa được thông qua, và biến đổi khí hậu vẫn là mối đe dọa lớn nhất.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Pressreader)