Tôi không phải chờ lâu. Bây giờ thì bánh tét, bánh chưng đã không còn là của hiếm. Vậy nhưng, không vì xung quanh lắm thứ vật ngon của lạ mà bánh tét, bánh chưng mất đi vị thế vốn có. Ở quê, đêm ba mươi không có nồi bánh cảm thấy trống vắng thế nào. Trên này phố xá cũng có người như ở khu phố tôi phía Nam cầu An Cựu nhớ Tết xưa ở quê cũng cố gắng tìm một góc nhỏ, quầy lại để nấu một nồi bánh. Người qua lại không vui, có vẻ như hơi bị gàn, nhưng tôi lại thấy quý và thông cảm. Hình ảnh gợi lại trong tôi một ký ức đẹp của ngày xưa ấy. Và nữa, không rình rang gói - nấu, nhưng cũng như tôi, ai cũng cố kiếm cố mua cho được vài ba đòn bánh tét hay dăm bảy cặp bánh chưng ăn Tết. Bàn thờ ngày Tết bên cạnh bình hoa tươi, bộ lư đồng, cặp đèn sáng choang, nải chuối vàng hươm… sẽ không thật đầy đủ nếu không có vài đòn bánh tét gác ở phía sau.

 

“Tét” có thể là biến thể của “Tết” vì nó là loại bánh dùng để ăn trong ba ngày Tết. ‘Tét’ cũng có thể là chữ biến thể của ‘tóac’; khi ăn, người ta phải gỡ toác lá gói bên ngoài ra hay phải “tét” thành từng lát. Bánh tét có cùng nguyên liệu và cách nấu như bánh chưng, chỉ khác về hình dạng. Có người bảo, đó là do ảnh hưởng của văn hóa Chiêm Thành qua biểu tượng của linga, một sinh thực khí nam, yếu tố căn bản cho sự sáng tạo và trường tồn của giống nòi. Có kẻ liên tưởng đến hành trình mở cõi khai phá vùng đất mới trong hành trình Nam tiến và đòn bánh tét dễ làm, dễ di chuyển và dễ treo rất tiện lợi trong sử dụng, đặc biệt ở những nơi ngập lụt. Đòn bánh tét hình như cũng được đội quân Tây Sơn sử dụng như một loại quân lương trong các cuộc hành quân lớn, nhất là trong cuộc chiến đánh tan 20 vạn quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Còn nữa là chuyện các chúa Nguyễn đã xem bánh tét như một biểu tượng văn hóa xứ Đàng Trong.

Là thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô một thời của đất nước, Huế tự hào về kho tàng văn hóa ẩm thực đa dạng và đặc sắc, cũng đã kịp để đời với đặc sản bánh chưng Nhật Lệ và đặc biệt là bánh tét làng Chuồn. Bánh chưng Nhật Lệ khi nguội ngon hơn khi nóng. Bóc lớp lá chuối ra, màu bánh xanh thơm nhức mắt. Cắn một miếng, nhân đậu thịt mỡ màu nâu trắng béo bùi ngập chân răng. Bí quyết là nguyên liệu chọn lựa công phu, riêng nếp phải là loại ngon thượng hạng mua tại làng nếp có tiếng ở Hương Trà, thịt đậu làm nhân chọn riêng thịt nạc, chế biến sao cho ăn vào là cảm nhận được vị ngon ngay, không bị ngấy. 
 
Danh phận của bánh tét làng Chuồn dày dặn hơn nhiều. Một thời, đó là thứ “ bánh tiến vua”. Có câu “Gạo de An Cựu, nếp thơm An Truyền”. Chuyện rằng, xưa làng Chuồn đã cho khoanh vùng chừng 20 mẫu ruộng để chuyên cấy loại nếp thơm ngon, còn gọi là nếp Tây. Từ thời vua Bảo Đại, mỗi năm làng phải cống nạp cho vua 2 thúng lúa và thúng nếp từ ruộng Cửa để vua ăn vì đây là gạo, nếp ngon nhất Huế. Ngoài ra, vua sai phải lấy nếp này để làm bánh tét, dâng lên triều đình để vua quan ăn Tết. Cũng bởi là loại “bánh ngự” nên làm nên bánh tét làng Chuồn là cả sự dụng công lớn. Là bánh tét làng Chuồn, khi ăn ta cảm nhận vị mềm dẻo, hương thơm dịu, vị béo bùi của nhụy bánh và vị cay của tiêu hành, thành một vị tổng hòa thơm ngon, hấp dẫn.
 
Bánh chưng Nhật Lệ thành danh cùng với bánh tét làng Chuồn như lời khẳng định tài năng của người Huế trong nghệ thuật ẩm thực. Xưa đêm ba mươi là hình ảnh thân thương cả nhà quây quần bên nồi bánh Tết. Còn nay, những kẻ như tôi, giữa chốn thị thành, Tết về là loay hoay tìm chọn mua bánh tét, bánh chưng như đi tìm và giữ lại một nét Việt yêu thương, một nét Huế xưa vào mỗi độ mai vàng nở rộ…