Do lần đầu tiên môn GDCD được đưa vào thi THPT Quốc gia nên khi mới tiếp nhận thông tin, nhiều học sinh có vẻ bỡ ngỡ, lo lắng. Điều lo lắng của các em không phải vì kiến thức quá khó mà chủ yếu là chưa hình dung được dạng đề thi và cách thức làm bài với hình thức trắc nghiệm.
Tuy nhiên, sau khi có đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với việc tổ chức thi, kiểm tra ở các trường THPT bằng hình thức trắc nghiệm hoặc kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm đã giúp các em làm quen dần với cách làm bài trắc nghiệm.
Đối với môn GDCD, nội dung đưa vào kỳ thi THPT Quốc gia năm học 2016 – 2017 được gói gọn trong chương trình GDCD lớp 12 - Công dân với pháp luật. Toàn bộ chương trình GDCD lớp 12 chỉ có 27 tiết thực học với 9 bài học thì nội dung kiến thức là không nhiều so với các môn học khác. Hơn nữa, với đặc trưng của môn GDCD là gần gũi với thực tiễn cuộc sống nên học sinh dễ tiếp cận, dễ ghi nhớ. Vì vậy, có thể nói, đây là môn có nhiều lợi thế để giúp các em đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. Để đạt được điểm cao, các em cần chú ý:
Thứ nhất, phải có tinh thần học tập nghiêm túc như các môn khoa học khác, tránh học tủ, học lệch.
Thứ hai, ôn tập thật kỹ các chuẩn kiến thức, kỹ năng cần đạt được trong toàn bộ chương trình môn GDCD lớp 12 (không cần ôn tập những nội dung đã giảm tải hay các vấn đề ngoại khóa của địa phương). Khi nắm chắc kiến thức, các em sẽ xác định phương án đúng trong câu trắc nghiệm một cách dễ dàng nhất là các câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Số lượng câu hỏi trong đề thi ở hai độ nhận thức này là 60% (nhận biết: 40%, thông hiểu: 20%).
Thứ ba, qua đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 40% câu hỏi tình huống vận dụng sát với thực tế (vận dụng thấp 30%, vận dụng cao 10%), đòi hỏi các em phải nhớ được kiến thức đã học, hiểu và biết vận dụng kiến thức để giải quyết những tình huống cụ thể mà đề ra. Để làm tốt các câu hỏi dạng này, học sinh phải đọc kỹ đề, dùng kiến thức đã học để phân tích, lý giải, nhận xét, đánh giá cùng với kỹ năng về thái độ, hành vi đã được hình thành trong quá trình học tập để xác định phương án trả lời đúng nhất. Điều này có nghĩa, nếu các em chỉ học chắc kiến thức nhưng không có thái độ và hành vi đúng thì khó có thể chọn đáp án chính xác.
Thứ tư, đối với cách ôn tập, các em có thể ôn tập theo dạng “cuốn chiếu”, học đến đâu ôn tập đến đó. Chú ý thực hành nội dung ôn tập bằng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Có thể ôn tập theo nhóm nhỏ để cùng nhau trao đổi, giúp nhau kiểm tra, rà soát lại nội dung đã học. Tăng cường làm một số đề kiểm tra, chấm chéo bài cho nhau. Một số câu hỏi khó có thể cùng nhau thảo luận để tìm cách giải quyết đúng, nếu cần có thể tìm đến sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn.
Thứ năm, khi làm bài thi các em lưu ý không chọn đáp án theo cảm tính, phải thận trọng, đọc kỹ đề, phân tích làm rõ để lựa chọn phương án trả lời chính xác.
Thời gian ôn tập để bước vào kỳ thi không còn nhiều, nhưng với cấu trúc đề thi của Bộ, học sinh không nên quá lo lắng, chỉ cần học đủ các chuẩn kiến thức, kỹ năng; hiểu và biết vận dụng kiến thức đã học cùng với cách ôn tập phù hợp, các em sẽ làm tốt bài thi.
NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG