Nhân viên rạp Lotte cinema kiểm tra giấy chứng minh của khách trước khi bán vé
Nghiêm túc thực hiện
Đến rạp chiếu phim Lotte cinema (siêu thị BigC), chúng tôi chứng kiến một số vị khách trẻ ra về do quên mang theo giấy Chứng minh Nhân dân; có trường hợp cả gia đình (có trẻ nhỏ) phải chuyển qua xem một bộ phim khác vì bị nhân viên rạp từ chối bán vé. Hỏi ra mới biết, rạp đang áp dụng Thông tư 12 của Bộ VH,TT&DL. Bà Cái Thị Vân Anh, quản lý rạp Lotte cinema giải thích, theo Thông tư 12 của Bộ VH,TT&DL, có 4 mức nhãn tương ứng với quy định lứa tuổi dành cho người xem phim; trong đó, P là phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng; C13, C16 và C18 tương ứng với phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 13, 16 và 18 tuổi, vì vậy những người chưa đủ tuổi thì rạp từ chối bán vé.
Hiện nay, tại TP. Huế ngoài rạp Lotte Cinema còn có rạp Đông Ba đang hoạt động. Giai đoạn đầu khi thông tư có hiệu lực, các rạp chiếu phim gặp nhiều khó khăn. Ông Hồ Xuân Đài, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thừa Thiên Huế chia sẻ, có khách phản ứng, cho rằng quy định phiền hà do phải trải qua bước kiểm tra các giấy tờ chứng minh lứa tuổi (đối với những người trẻ) vì vậy không ít trường hợp bỏ về, hoặc tỏ ra khó chịu. “Thời gian đầu, chúng tôi có giải quyết linh động cho một số trường hợp nhưng hiện nay đã thực hiện nghiêm túc. Khách bỏ về có ảnh hưởng doanh thu, nhưng tôi cho rằng về lâu dài thì Thông tư 12 giúp các rạp khoanh vùng đối tượng khán giả để phục vụ và tạo một thói quen tốt cho người xem phim tại rạp”, ông Đài nói.
Quan sát tại các rạp chiếu phim, bên cạnh các thông báo công khai về phân loại phim cũng như cách thức kiểm soát, kiểm tra tuổi đối với khán giả thì các nhân viên còn làm công tác giải thích thông tư mới. Các đơn vị này cũng từ chối bán vé với đối tượng chưa đủ tuổi tương ứng với bộ phim họ muốn xem. Ngay cả những phim được trình chiếu miễn phí ở tuần lễ phim Đan Mạch (27/5 – 4/6), rạp Đông Ba cũng nghiêm túc thực hiện thông tư này. Anh Trần Vĩnh Hòa, người dân TP. Huế, kể: “Hai vợ chồng đi xem phim Chuyện tình Hoàng Gia và có dẫn con nhỏ theo. Đến rạp Đông Ba mới biết đây là phim cấm độ tuổi dưới 16. Họ giải thích cặn kẽ, hợp lý nên chúng tôi vui vẻ ra về”.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Chánh thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) cho biết, các rạp chiếu phim đều nghiêm túc thực hiện Thông tư 12 của Bộ VH,TT&DL. Đến thời điểm hiện tại, Thanh tra Sở VH&TT chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào liên quan đến sai phạm của các đơn vị chiếu phim về việc thực hiện Thông tư 12.
Sẽ tăng cường kiểm soát
Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 12/2015/TT-BVHTTDL đưa ra bảng tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi. Các tiêu chí phân loại, gồm: chủ đề, nội dung; bạo lực; khỏa thân, tình dục; ma túy, các chất kích thích, gây nghiện; kinh dị; hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục. Tùy theo loại phim (phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng, phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13 - 16 – 18 tuổi) sẽ quy định mức độ các tiêu chí phân loại khác nhau. |
Làm một cuộc khảo sát nhanh, đa phần ý kiến đánh giá Thông tư 12 tạo được thói quen tốt cho người xem phim. Ông Trần Thành Nhân (53 tuổi), trú tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy nhận định: “Tôi có đứa con 16 tuổi hay đi xem phim tại rạp. Thông tư này ra đời là một giải pháp hay thay chúng tôi quản lý chuyện xem phim của con”.
Được đánh giá cao, song nhiều người lo ngại sau giai đoạn “nóng”, các rạp chiếu phim sẽ quay về “lối cũ”, chiều lòng khách hàng để đảm bảo doanh thu. “Tôi nhớ trước đây từ khi Luật Điện ảnh sửa đổi và bổ sung năm 2009 có hiệu lực thì việc phân loại phim được thực hiện ở hai mức độ là cho phép phổ biến rộng rãi và cho phép phổ biến đến khán giả trên 16 tuổi, tức là cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Lúc đó gia đình tôi sống tại TP. Hồ Chí Minh, khi đến rạp thì nhân viên từ chối bán vé, nhưng khi quá trình kiểm soát của lực lượng chức năng “chìm” xuống thì tôi thấy họ vẫn dễ dàng cho vào. Nên chăng, cần có cơ chế kiểm soát triệt để”, ông Nguyễn Văn Khánh, quê ở huyện Phú Vang băn khoăn.
Ông Ngọc khẳng định, công tác kiểm tra sẽ được tổ chức thường xuyên, ngoài các đợt kiểm tra định kỳ còn có các đợt thanh kiểm tra đột xuất, không chỉ riêng Thông tư 12 mà còn nhiều vấn đề khác liên quan đến hoạt động chiếu phim theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, ở góc độ quản lý về mặt nhà nước, ông Nguyễn Quê, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VH&TT cho rằng, song song công tác kiểm tra của thanh tra Sở VH&TT, Phòng Quản lý Văn hóa cũng theo dõi và nhắc nhở các đơn vị tuân thủ nghiêm Thông tư 12, đồng thời có phương án tuyên truyền, tác động nhận thức đến đối tượng người xem.
Một số chuyên gia tâm lý tại Huế cho rằng, bên cạnh công tác quản lý về mặt Nhà nước, cũng cần có vai trò của gia đình và nhà trường trong việc nhắc nhở, kiểm soát con em mình xem phim đúng theo lứa tuổi. Giáo viên và phụ huynh có thể phản ánh với các cơ quan chức năng khi phát hiện các đơn vị kinh doanh dịch vụ chiếu phim vi phạm Thông tư 12, điều này sẽ tạo ra một cơ chế phối hợp kiểm soát để các rạp chiếu phim tuân thủ nghiêm túc và đối tượng xem phim cũng nhận thức tốt hơn.
Bài, ảnh: Minh Tâm