Sức hút chùa Huế

Ngoài hai Di sản Văn hóa của nhân loại, Huế còn có hơn 400 ngôi chùa lớn nhỏ. Vẻ đẹp của những ngôi cổ tự như Linh Mụ có từ năm 1601, Báo Quốc (1674), Từ Ðàm (1683), Thuyền Tôn (1709), Phước Thọ Am (1831), Từ Hiếu (1843), Diệu Ðế (1844)... đã hấp dẫn khách du lịch trong những cuộc “Hành hương tâm linh”. Những ngôi chùa mới được tạo lập sau này ở Huế cũng hút hồn du khách như Huyền Không Sơn Thượng hay Trúc Lâm Bạch Mã, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân.

Cô Senai Debau, một sinh viên báo chí đến từ Hoa Kỳ, sau khi được một nhóm SV Huế dẫn đi thăm một số lăng tẩm, đền đài, chùa chiền, miếu mạo… đã ngạc nhiên trước một đời sống tâm linh hết sức phong phú của người Huế. Ngoài những nơi thờ Phật, thờ Vua chúa ra thì những phong tục thờ tự và cúng bái khác như thờ Mẫu, thờ Thánh, thờ Thành hoàng, thờ Tổ nghề, thờ họ tộc… đưa Senai Debau đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Và cô đã quyết định dời lịch bay để ở lại Huế tham dự một buổi lễ cúng trong một gia đình người Huế. Sau buổi này, Senai Debau chia sẻ: “Nếu chỉ đi thăm các đền đài lăng tẩm ở đây (Huế) thì chỉ cần hai ngày là đủ, nhưng nhờ có các bạn, chúng tôi mới biết Huế còn có một đời sống khác quyến rũ và huyền bí. Cái mà tôi không hề thấy giới thiệu ở trong bất cứ một tour du lịch nào!”

Thích được trải nghiệm

Nếu như “Du lịch hành hương tâm linh” là một tiềm năng lớn chưa hề được khai thác một cách có hệ thống để tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch Huế, thì còn có một mảng khác đó là “Du lịch trải nghiệm” cũng chưa được quan tâm đầy đủ. Những nơi như nhà vườn Ý Thảo, phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, nhà vườn An Hiên hay khu nhà vườn Phú Mộng… đã trở thành điểm đến của du khách từ nhiều năm qua, nhưng đa số đều là do tư nhân quản lý và tổ chức. Sản phẩm du lịch này cũng chỉ mới ở tầm mức là thăm một ngôi nhà vườn và ăn một bữa cơm do người Huế nấu! Điều này cũng đồng nghĩa với việc, du khách vẫn chưa thể cảm được hết chiều sâu của văn hóa Huế và cũng chưa thể níu giữ được du khách ở lại lâu hơn với Huế để chi thêm tiền cho các dịch vụ khác của Huế.

Dù ai cũng biết phá Tam Giang nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, là hệ đầm phá nước ngọt lớn nhất Việt Nam, đang là “biểu tượng” về môi trường sinh thái của tỉnh, nhưng chỉ đến khi theo chân một số tour của một số đơn vị lữ hành nhỏ thì chúng ta không khỏi ngạc nhiên và bất ngờ trước những sáng tạo trong việc làm tour của họ. Nhìn những gương mặt ngạc nhiên háo hức và cả lo lắng, nhưng không kém vẻ thú vị khi đi thuyền trên mênh mông đầm phá của những du khách đến từ phương Tây mới thấy hết được hiệu quả của tour du lịch trải nghiệm này. Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Trung Hiếu, hướng dẫn viên Công ty Vi Tour nói: “Khách của đơn vị chúng tôi rất thích được đi trên thuyền dọc theo phá Tam Giang, ăn uống và nghỉ ngơi trên những cái nhà chồ lênh đênh. Nhưng thật tiếc, cơ sở hạ tầng ở đây không đáp ứng được!”

Trong một không gian khác tại nhà vườn An Hiên, có một tour du lịch toàn du khách Pháp. Khi đã được xem những bức hoành phi câu đối và nghe giải thích về ý nghĩa của câu chữ và cách viết chữ được gọi là thư pháp tại ngôi nhà vườn này, du khách nhất định đòi được trở lại đây học viết thư pháp. Hai ngày sau, nhờ sự quen biết của chính người hướng dẫn viên Nguyễn Hồng Vinh (Hà Nội), yêu cầu của du khách được đáp ứng. Dù chỉ là trường hợp cá biệt nhưng đã níu chân du khách ở lại với Huế được thêm 2 ngày nữa bởi sự thú vị của nó.

Cô Pau Line, du khách Pháp thốt lên: “Tôi đã gặp may trong chuyến đi này vì đã biết phần nào đó về cách viết chữ của người Việt Nam. Tôi sẽ về khoe với mọi người điều đặc biệt mà không phải du khách nào cũng có được!”

Ân Hưởng