Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan trong một cuộc họp báo ở thủ đô Ottawa ngày 7/6. Ảnh: AP

Ông Harjit Sajjan nói rằng, chi tiêu quân sự sẽ tăng 70% lên tới 32,7 tỷ đô la Canada (tương đương 24,1 tỷ USD) trong một thập kỷ. Điều đó có nghĩa là, Canada sẽ chi khoảng 1,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để phòng thủ đến năm 2026-2027, tăng từ mức 1,2% hiện nay.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu cho các lực lượng quốc phòng. Mỹ đóng góp hơn 70% tổng chi tiêu quân sự của NATO. Chỉ có Anh, Estonia, Hy Lạp và Ba Lan đáp ứng được mục tiêu của NATO trong việc dành ít nhất 2% GDP cho quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho hay, ông "phấn khởi" với chính sách của Canada. Phát biểu trong một tuyên bố, ông Mattis nói rằng: "Mỹ hoan nghênh sự gia tăng rõ rệt của Canada đối với đầu tư vào Quân đội và cam kết của họ đối với mối quan hệ phòng vệ vững chắc với Mỹ và NATO”.

"Chính sách quốc phòng mới này cho thấy quyết tâm của Canada trong việc xây dựng thêm năng lực quân sự và một lực lượng chiến đấu có năng lực hơn", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, ông hài lòng với quyết định của Canada. "Tôi nhiệt liệt hoan nghênh chính sách quốc phòng mới và các khoản đầu tư chủ chốt của Canada. Chính sách mới này khẳng định cam kết bền vững của Canada đối với NATO và sẽ đảm bảo Canada có lực lượng vũ trang và các năng lực chính mà liên minh cần", ông Stoltenberg nhấn mạnh trong một tuyên bố. 

Về phần mình, ông Sajjan cho biết, việc bổ sung ngân sách được thiết kế nhằm đảm bảo Canada là một đối tác đáng tin cậy. Theo đó, kế hoạch này sẽ cần thêm 5.000 nhân viên quân sự, 15 tàu chiến mới và 88 máy bay chiến đấu mới.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AP & ABC News)