Khách đến Huế bằng đường sắt đang gia tăng

Ba bên đều có lợi

Tại hội nghị kết nối giữa ngành du lịch Huế và ngành đường sắt lần thứ hai diễn ra mới đây, số lượng doanh nghiệp (DN) du lịch Huế tham gia kết nối đông gấp 4 lần, từ 10 DN lên đến 40 DN so với lần đầu, tổ chức năm 2016. Lĩnh vực kinh doanh cũng đa dạng hơn, trước đây chỉ có DN lữ hành, nay có thêm các đơn vị lưu trú, vận chuyển và cả một số điểm du lịch.

Theo lãnh đạo ngành du lịch, để phát triển du lịch, việc tăng cường đa dạng các phương tiện, hình thức vận chuyển đến Huế là một trong những giải pháp trọng tâm. Chủ trương của ngành là sẽ tập trung tăng cường vận chuyển khách bằng đường sắt. Lợi thế của di chuyển bằng đường sắt là an toàn, không gian thoải mái và có thể kết hợp với ngắm cảnh trên đường đi. Đặc biệt, chi phí đầu tư trang thiết bị, hạ tầng, bến bãi ít, chủ yếu do phía ngành đường sắt thực hiện.

Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist cho hay, qua hơn một năm hợp tác, được ngành đường sắt hỗ trợ, DN đang khai thác tốt chuyến tàu “Con đường di sản miền Trung”. Số lượng khách đi trên các chuyến tàu luôn kín chỗ, kể cả mùa thấp điểm hay những ngày mưa lượng khách cũng ổn định. Du khách từng đi trên tàu đều cảm thấy thú vị và hài lòng.

Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch cho rằng, khi tham gia kết nối, các bên đều có lợi. Với ngành đường sắt thu hút được nguồn khách từ các DN du lịch, thay vì đi bằng đường bộ nay chuyển sang đi bằng đường sắt. Cũng từ các DN, ngành đường sắt sẽ được quảng bá rộng rãi hơn với du khách trong và ngoài nước; đối với các DN, được ngành đường sắt ưu đãi về giá các dịch vụ. Trong mùa cao điểm, khi khách đông các DN có thể yêu cầu ngành đường sắt nối toa, hoặc thêm các toa đến các điểm du lịch mới; từ đó, giúp DN chủ động hơn trong việc thiết kế tour tuyến. Riêng cơ quan quản lý, mối liên kết này sẽ tạo ra môi trường để các DN đến được với nhau. Việc DN du lịch và đường sắt hợp tác sẽ góp phần tăng trưởng lượng khách du lịch đến với Huế, tăng thu nhập cho xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Khánh, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Huế nhận định, thời gian qua, còn ít DN du lịch Huế và du khách chọn đường sắt để di chuyển. Ngành đường sắt xác định, nhu cầu du lịch của nhiều người đang tăng, thu hút được nguồn khách này để chọn đường sắt sẽ tăng doanh thu cho ngành. Qua kết nối, mong muốn tăng cường kích cầu, giới thiệu, quảng bá sự đổi mới, hiện đại cơ sở vật chất của ngành đường sắt thời gian qua. Cùng với đó là trau chuốt hơn về dịch vụ, nhân viên chuyên nghiệp sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch trong thời gian sắp đến.

Khách du lịch đến Huế bằng tàu hỏa

Cần có cam kết cụ thể

Ông Nguyễn Thanh Khánh chia sẻ, sắp đến ga Huế tiếp tục đầu tư các đoàn tàu mới phù hợp với điều kiện, nhất là những toa tàu chuyên phục vụ khách du lịch. Tổ chức các chuyến tàu phù hợp, nối các điểm du lịch trong khu vực và toàn quốc với nhau. Mới đây nhất là chuyến tàu Huế - Nha Trang và ngược lại được hoạt động từ ngày 19/5. Lần kết nối thứ hai này, ngành đường sắt sẽ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hơn cho các DN (đoàn khách từ 10 người trở lên sẽ được tạo điều kiện tối đa về số lượng vé, giảm giá, sẽ có những đợt giảm sâu đến 25%). Ngành đường sắt cũng mong muốn Sở Du lịch có những tác động để DN tham gia nhiều hơn, có chính sách giảm giá cho các đoàn khách vào các điểm tham quan ở Huế.

Nhiều DN từng tham gia kết nối năm 2016 chỉ ra nhiều khó khăn và vướng mắc, trong đó đáng chú ý là nguồn khách, có nhiều DN dù đã cố gắng nhưng vẫn không đủ số lượng như thỏa thuận nên không có được giá ưu đãi. Cũng do không đáp ứng lượng khách, các DN không được ngành đường sắt ủy quyền mở đại lý. So với đi bằng đường bộ, đi đường sắt sẽ có chi phí cao hơn cũng là lý do khiến DN không chọn đường sắt để vận chuyển khách.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Khánh cho rằng, hiện ngành đã mở 2 đại lý từ DN và xem như một cửa vé chính thức của ga Huế. Thời gian đến, ngành sẽ xem xét để mở thêm đại lý. Các bên sẽ cùng nhau ngồi lại, thống nhất các phương án để hạn chế sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, không phù hợp. Các đoàn khách lẻ cũng sẽ được ngành xem xét để giảm giá vé.

Ông Trần Quang Hào góp ý, qua thời gian liên kết và thực tiễn khai thác, DN mong muốn ngành đường sắt và các cơ quan chức năng mở rộng quy mô liên kết với Đà Nẵng, Quảng Bình để xây dựng được một chuyến tàu xuyên suốt. Riêng tuyến từ Huế đi Đà Nẵng, nên có điểm dừng ở Lăng Cô để du khách có điều kiện tham quan và nghỉ dưỡng tại đây. Nhiều du khách chỉ muốn về Lăng Cô, nhưng không thể dừng lại nên buộc phải đi xe ô tô.

Ông Lê Hữu Minh cho biết, sự hợp tác năm nay đã có những cam kết cụ thể, có tính sâu rộng hơn. Trong quá trình liên kết, nếu có những khó khăn và vướng mắc, ngành du lịch sẽ chủ động liên hệ với các bên để cùng nhau tìm tiếng nói chung để vận chuyển khách bằng đường sắt sẽ là một lựa chọn của du khách trong thời gian đến.

Bài, ảnh: Đức Quang