Anh Võ Xuân Cường, một trong 4 đại biểu tiêu biểu của tỉnh vinh dự tham gia Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi tốt nghiệp THPT, Võ Xuân Cường (sinh năm 1980 ở xã Phong An, Phong Điền) chọn con đường học nghề sửa chữa cơ khí. Học thành nghề, Cường vào TP. Hồ Chí Minh làm ăn đến năm 2007 thì trở ra quê và được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Vico Silica. Với kinh nghiệm vốn có của bản thân cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp, tay nghề của Cường không ngừng được nâng cao. Với niềm đam mê sáng tạo, Cường không ngừng suy nghĩ, sáng tạo ra nhiều giải pháp có lợi cho công ty.

Anh Hồ Anh Tuấn, đồng nghiệp của Cường cho biết: “Trong quá trình làm việc, nhận thấy chi phí để gia công một con lăn bằng sắt hơn 120 ngàn đồng trong khi chi phí sản xuất một con lăn bằng nhựa hơn 80 ngàn đồng và chức năng, thời gian sử dụng của hai loại đều như nhau nên năm 2016, sau khi nghiên cứu cùng các công nhân kỹ thuật khác, anh Cường đề ra giải pháp thay con lăn sắt bằng con lăn ống nhựa. Kết quả, sau một năm thực hiện, anh Cường đã làm lợi cho công ty hơn 33 triệu đồng, đó là chưa kể số tiền làm lợi được tăng lên theo tuổi thọ của thiết bị hàng năm”.

Nhận thấy trước đây ở hệ thống thu hồi sản phẩm (hệ thống V6), hạt cát mịn trôi theo đuôi các miệng thoát nước của các thùng bơm và vít tải dẫn cát, anh Cường cùng tổ cơ khí đưa ra sáng kiến thu gom toàn bộ cát trôi dẫn về hố tập trung và đưa lên vít xoắn tuyển khoáng vật nặng để thu hồi. Nhân xét về sáng kiến này, anh Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Vico Silica cho hay: “Theo thực tế sản xuất, năng suất thu được 8 tấn cát/1 ngày sản xuất 3 ca. Như vậy, mỗi năm thu được 2.496 tấn. Nếu chưa có dây chuyền tận thu thì lượng cát ở hệ thống V6 trôi đi phải sử dụng xe đào lên và chờ xử lý lại. Khi xử lý lại phải sử dụng tất cả các dây chuyền của hệ thống cũng như bơm nước từ mỏ vào. Theo định mức chi phí tính giá thành sản phẩm, sau khi trừ thuế tài nguyên, phí tài nguyên, phí giám sát môi trường, quyền khai thác khoáng sản thì giá thành sản phẩm cát rửa là 95.132 đồng/1 tấn sản phẩm. Vậy là để xử lý hết 2.496 tấn thì mất hơn 237 triệu đồng. Trong khi áp dụng dây chuyền hệ thống V6 rửa do anh Cường đề ra, công ty được lợi hơn 150 triệu đồng”.

Khi được hỏi về mình, anh Võ Xuân Cường khiêm tốn: “Có được những giải pháp trên là nhờ sự nỗ lực của cả tổ cơ khí của công ty, tôi chỉ đóng một phần công sức trong đó. Hiện nay, tôi vẫn không ngừng trau dồi thêm kiến thức, cố gắng tìm tòi, sáng tạo để trong thời gian tới tìm ra nhiều giải pháp hay trong công việc, giúp công ty có lợi”.

Ông Đào Phương, Trưởng ban Chính sách pháp luật – Liên đoàn Lao động tỉnh nhận xét: “Trong phong trào thi đua lao động giỏi, sản xuất giỏi của công nhân, người lao động toàn tỉnh, anh Võ Xuân Cường là một tấm gương điển hình và đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2016. Hy vọng trong tương lai, anh Cường sẽ phát huy khả năng của mình để sáng tạo ra nhiều giải pháp hay và đưa vào ứng dụng”.

Bài, ảnh: Ngự Bình