Thiếu lương thực có nguy cơ dẫn đến bạo lực và bất ổn. Ảnh: Livelaw

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Hoà bình, tình trạng thiếu lương thực do hậu quả từ sự biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng tình trạng bạo lực và bạo loạn ở các quốc gia bất ổn về chính trị, nhất là các nước dễ bị tổn thương và phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp.

Báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ năm 2016 cho thấy, cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng gần đây nhất hồi năm 2007-2008 - gây ra bởi tình trạng thời tiết khắc nghiệt tại các vùng sản xuất ngũ cốc chủ yếu, đã làm gia tăng nhu cầu và đẩy chi phí thực phẩm lên cao, dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội và chính trị ở Maroc, Bangladesh, Tunisia và Indonesia.

Ngày nay, hạn hán trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn ở những nhiều khu vực như phía đông và phía nam châu Phi, kết hợp với hiện tượng El Nino, gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và kinh tế ở các vùng nông thôn.

Trung tâm Khí hậu và An ninh Hoa Kỳ cho biết, các yếu tố như tình trạng thiếu nước toàn cầu, di cư do biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cũng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc tế.

Theo đồng tác giả của nghiên cứu - ông Bear Braumoeller, các quốc gia mong manh cần giải quyết vấn đề bất ổn trong nước và đầu tư vào các ngành công nghiệp "xanh" bền vững hơn để tăng trưởng kinh tế, nhằm đối phó với tình trạng thiếu lương thực do biến đổi khí hậu.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters & Climateandsecurity)