Chúng ta đã và đang chứng kiến hết mặt hàng nông sản này đến mặt hàng nông sản khác bị rơi vào ế ẩm, nông dân không thiết thu hoạch. Nổi cộm nhất trong thời gian gần đây là thịt heo bị rớt giá nghiêm trọng, đẩy người chăn nuôi vào tình cảnh khốn đốn. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có giải pháp hữu hiệu, căn cơ thì tới đây danh sách nông sản bị ế thừa sẽ còn kéo dài. Được biết, tình trạng khủng hoảng thừa thịt heo đã được báo trước, khi cuối năm 2016, hiệp hội thức ăn chăn nuôi đã có văn bản gửi các bộ phận cảnh báo hiện tượng dư thừa do vượt quá quy hoạch chăn nuôi trong nước song chưa được xem xét kịp thời…

Điều đáng nói nguyên nhân nông sản ế thừa không hoàn toàn do sản xuất ồ ạt, mà còn tồn tại ở nhiều khâu khác như quy trình sản xuất không đảm bảo, chất lượng sản phẩm thấp, thị trường hẹp, lưu thông hàng hóa bị hạn chế, thao túng… Cùng một loại nông sản, nông dân thu hoạch bán với giá rẻ bèo thì ở nhiều thị trường, siêu thị, giá vẫn không hề giảm, là một minh chứng. Cho nên, quá trình sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản gắn với thị trường tiêu thụ là hết sức cần thiết.

Tại Thừa Thiên Huế, phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn những năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi; bước đầu đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản phẩm. Song, nhìn một cách tổng thể, quy mô của ngành nông nghiệp tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, ngành nông nghiệp và nhiều địa phương đang thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016 – 2020, xác định tập trung vào tái cơ cấu các lĩnh vực chính là trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, công nghiệp chế biến, ngành nghề nông thôn và tái cơ cấu trên từng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực.

Quan điểm chung về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là phải liên kết được giữa sản xuất  gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng mối liên kết của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) để phát triển mạnh các loại hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao…  Nếu thực hiện hiệu quả thì đây là một trong những biện pháp căn cơ,  góp phần hạn chế tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa mà người nông dân phải gánh chịu như lâu nay.

Đặng Thành