Hướng dẫn học sinh học bơi tại Trung tâm Thể thao tỉnh

Con số đáng lo ngại

Số liệu từ phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em – bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong 3 năm từ 2014 – 2016 toàn tỉnh lần lượt có 14, 19 và 11 trẻ em tử vong do đuối nước. Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2017 đã xảy ra 4 trường hợp. Đáng lo ngại, tình trạng đuối nước thường tăng ở những năm xảy ra nhiều thiên tai, trong khi số liệu chỉ tổng hợp được các trường hợp tử vong, còn số vụ tai nạn đuối nước chưa thống kê được.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 120 trường/216 trường tiểu học có tổ chức dạy bơi cho học sinh, kể cả 35 trường của TP. Huế được hưởng dự án của Trung tâm khuyến khích tự lập Huế. Tuy nhiên, dự án bơi của nhiều tổ chức chỉ hỗ trợ khoảng 1 - 2 năm/điểm trường, vì vậy khi dự án kết thúc, nhiều trường không duy trì được hoạt động dạy bơi; tính bền vững của hoạt động vì thế không đảm bảo.

Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lo ngại, học sinh sống tại các huyện, thị, vùng trũng có nguy cơ gặp tai nạn đuối nước cao, nhất là giai đoạn mưa lũ, song lượng học sinh được phổ cập bơi còn ít, nhiều trường chưa có chương trình dạy bơi cho học sinh vì thiếu kinh phí. Sở GD&ĐT cố gắng tìm các dự án, chương trình hỗ trợ dạy bơi miễn phí cho học sinh nhưng tình hình hiện nay khá khó khăn.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương học bơi tại Trung tâm Thể thao tỉnh

Không phải không làm được

“Xóa mù” bơi đang được nhiều địa phương trên cả nước tính đến, dù cái khó chung là các trường thiếu bể bơi và giáo viên. Điển hình như TP. Đà Nẵng huy động xã hội hóa để xây dựng các hồ bơi di động tại nhiều địa điểm khác nhau; ngành Giáo dục quận Long Biên (Hà Nội) năm học 2016 – 2017 chỉ đạo các trường Tiểu học đưa nội dung phổ cập bơi vào chương trình ngoại khóa…

Thực tế, việc phổ cập bơi đã được nhiều trường tại TP. Huế triển khai song số lượng còn hạn chế. Theo Trung tâm Thể thao tỉnh, từ năm 2009 đến nay, chỉ có khoảng 20 trường học phối hợp với trung tâm tổ chức dạy bơi cho học sinh. Dù mức học phí giảm hơn 40% nhưng số lượng học sinh và đơn vị tham gia còn ít.

Ông Phạm Hữu Trí, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính kiêm phụ trách công tác phổ cập bơi (Trung tâm Thể thao tỉnh) khẳng định, ở các huyện, thị, nếu ngành giáo dục và các trường phối hợp thì vẫn có thể tổ chức dạy bơi. “Năm 2012, chúng tôi phối hợp với hai trường THCS: Hương Xuân và Tứ Hạ tổ chức dạy bơi bằng bể bơi nhân tạo thiết kế trên sông Bồ. Kinh phí mỗi bể bơi khoảng 15 triệu/năm, song nhiều trường vẫn lắc đầu”, ông Trí nói.

Thật ra, cái khó về nhân lực và địa điểm dạy bơi không phải là không có phương án giải quyết. Ngoài một số dự án đào tạo bơi cho học sinh có tập huấn kỹ năng dạy bơi, cứu hộ cứu đuối cho các giáo viên thì hằng năm, ngành thể thao cũng phối hợp ngành giáo dục trang bị kiến thức, kỹ năng bơi, cứu hộ cứu đuối cho một số giáo viên. Ngoài ra, các trường có đội ngũ giáo viên thể dục, có khả năng bơi và dạy bơi. Vấn đề là các trường chưa tận dụng tốt nguồn nhân lực này.

Ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa và Thể thao) cho rằng, ngoài các bể bơi thuộc Trung tâm Thể thao huyện, thị, thành phố, một số địa phương như Hương Thủy, Phong Điền, Phú Lộc có bể bơi tư nhân, có thể liên kết với  doanh nghiệp để tổ chức dạy bơi. Đồng thời nên có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bơi và tổ chức dạy bơi.

Thời gian qua, Huế có nhiều mô hình điển hình trong công tác dạy bơi, như Trường THCS Nguyễn Tri Phương phối hợp Trung tâm Thể thao tỉnh (trước đó là Trung tâm Thể thao dưới nước) tổ chức đào tạo bơi cho học sinh liên tục từ năm 2008; hay mô hình sáng tạo dạy bơi ở trạm bơm của Trường tiểu học Phú Mỹ 1 (Phú Vang)... Nếu những mô hình này được các trường nghiên cứu, áp dụng thì vấn đề đuối nước sẽ phần nào “giảm nhiệt”.

Một số chuyên gia và những người làm dự án bơi đánh giá, cái khó còn tồn tại là các trường chưa thực sự quyết tâm và phụ huynh chưa nhận thức được mối nguy hiểm từ hiểm họa đuối nước. Anh Nguyễn Ích Hoàng, phụ trách mảng Phát triển cộng đồng thuộc Trung tâm khuyến khích tự lập Huế bày tỏ: “Làm dự án, chúng tôi thấy một số trường chưa phối hợp chặt chẽ trong việc dạy bơi cho học sinh. Phía phụ huynh còn xem nhẹ hoạt động học bơi, chỉ ưu tiên cho con học văn hóa. Phổ cập bơi là vấn đề cần thiết nhưng khó thành công nếu nhà trường không quyết tâm và phụ huynh thiếu sự đồng hành. Thậm chí cần xã hội hóa thì việc xóa mù bơi mới có thể thực hiện được”.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2020 (ban hành theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 3/12/2010), trong đó nhiệm vụ phát triển giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học là phổ cập dạy và học bơi đối với học sinh hệ phổ thông và mầm non; đảm bảo 100% số trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình ngoại khóa. Bây giờ đã là năm 2017, vậy nên đừng chần chừ!

“Năm 2017, Sở LĐ,TB&XH phối hợp Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT huyện Phú Vang tổ chức dạy bơi cho 4 trường ở Phú Vang là tiểu học Phú Hải, tiểu học Vinh Thanh 1, tiểu học Vinh Thanh 2, tiểu học Hà Trung với tổng kinh phí khoảng 90 triệu đồng. Để nhân rộng hoạt động này, ngoài vai trò của các cơ quan, ban ngành thì cũng cần sự quan tâm nhiều hơn từ phía phụ huynh” - bà Võ Thị Kim Khánh, Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - bình đẳng giới (Sở LĐ,TB&XH).

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc