Đình Bàn Môn được xây dựng từ năm 1895 với kiến trúc giống nhiều ngôi đình khác ở Huế. Chỉ có điều khác biệt, chính đình làng đã trở thành di tích lịch sử văn hóa gắn với truyền thống đấu tranh bất khuất của người dân.
Cổng với hai trụ biểu, bình phong được tạc những câu đối, rồng chầu tinh sảo |
Bác Lê Văn Lộc, Trưởng thôn Nam (Lộc An) năm nay gần 70 tuổi cho biết, vào những năm 20 của thế kỷ trước, thanh niên Lê Bá Dị đã nhiều lần tập họp dân làng ở đây để lên tiếng phản đối sưu cao thuế nặng, phản đối chính sách bắt dân đi phu lập đồn điền. Từ năm 1925 đến 1929, những hội như: Đọc sách, Giảng báo, Quốc ngữ... thường xuyên hoạt động tại đình làng. Qua đó, ông Lê Bá Dị đã cổ vũ và truyền bá tư tưởng cách mạng trong nhân dân, nhất là đối với lực lượng thanh niên trong vùng. Đặc biệt thời kỳ này, ông Lê Bá Dị và cụ Hoàng Đức Trạch (một nhân sĩ yêu nước) đã mời cụ Phan Bội Châu về diễn thuyết, trước đông đảo thanh niên ở Truồi, nung nấu ý chí cách mạng trong thanh niên trước vận mệnh của quốc gia, dân tộc.
Bia đá ngay từ lối cổng vào khái quát dấu tích lịch sử của đình làng Bàn Môn |
Đầu năm 1930, Chi bộ Truồi, chi bộ nông thôn đầu tiên của Thừa Thiên Huế được thành lập tại đình Bàn Môn. Năm 1936, tại đình này, dân làng tụ tập để đi đón Gô-Đa - đảng viên Đảng Xã hội Pháp, đặc phái viên của chính phủ Pháp. Cuối năm 1944, tại đình làng diễn ra cuộc mít-tinh của dân địa phương hưởng ứng chủ trương chống Nhật của Mặt trận Việt Minh, tạo khí thế của quần chúng nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa thắng lợi. Trước lúc nổ ra Cách mạng Tháng Tám, đình Bàn Môn là nơi thường xuyên huấn luyện lực lượng tự vệ chiến đấu. Khi lệnh tổng khởi nghĩa phát ra, nhân dân toàn xã tập hợp tại ngôi đình này để kéo về huyện lỵ Cầu Hai, cùng với các xã khác trong toàn huyện giành chính quyền. Đình làng bấy giờ trở thành trụ sở của Mặt trận Việt Minh. Tại đây thường xuyên tổ chức các cuộc họp bàn việc chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Ủng hộ Chính phủ lâm thời xây dựng nền tài chính quốc gia, nhân dân sôi nổi hưởng ứng “tuần lễ vàng”, “tuần lễ đồng”. Năm 1946, toàn thể cử tri đã nô nức đến đình làng Bàn Môn bầu những người xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Chính điện của đình làng Bàn Môn được nâng cấp sửa chữa theo kiến trúc cũ, uy nghi |
Năm tháng qua đi. Những câu chuyện oai hùng năm xưa về đình Bàn Môn dường như đã ăn sâu vào máu thịt của những người con xứ Truồi. Đình làng Bàn Môn hôm nay vẫn uy nghi, cổ kính - là địa chỉ đỏ sáng ngời của một thời cách mạng trên vùng đất Cố đô Huế. Giá trị lịch sử và văn hoá ấy nhắc nhở chúng ta nhớ, hiểu và thêm yêu quê hương!.