Đối tượng Nguyễn Thị Thanh Hoa đã lừa đảo xin việc làm của 325 người nhằm chiếm đoạt 23,5 tỷ đồng

Tiền mất tật mang

Hiện nay, nhu cầu xin việc làm đang trở nên bức thiết đối với người dân. Nắm bắt được nhu cầu đó, không ít kẻ đã giả mạo danh nghĩa của các tổ chức, cá nhân để đứng ra xin việc làm. Tin tưởng các đối tượng này, không ít người đã sập bẫy dẫn đến “tiền mất tật mang”.

Thượng tá Đoàn Minh Hải, Chánh Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho biết, vừa khởi tố, bắt tạm giam nghi phạm Nguyễn Linh Lan (47 tuổi, trú đường Phan Chu Trinh, TP. Huế) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của nhiều gia đình, bà Lan tự nhận mình có nhiều mối quan hệ quen biết, có thể xin việc tại các sở ban ngành như Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Bệnh viện Trung ương Huế với mức giá từ 150- 300 triệu đồng/suất. Với chiêu trò này, bà Lan đã lừa được nhiều người trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Ông Bạch Chơn Đông, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ tỉnh:

Không nên đặt niềm tin vào các đối tượng môi giới 

Trước thực trạng tội phạm lừa đảo bằng hình thức xin việc làm có xu hướng gia tăng, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không nên vội vàng đặt niềm tin tuyệt đối vào những đối tượng môi giới.

Theo quy định hiện hành, khi có kế hoạch tuyển dụng, các cơ quan sẽ phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hơn nữa, hiện nay công tác cán bộ, tuyển dụng lao động, nhất là trong các cơ quan nhà nước ngày càng được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch. Do đó, mỗi người dân khi có nhu cầu về việc làm cho thân nhân của mình, cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị tuyển dụng để có thông tin chính xác nhất, tránh tình trạng tiền mất mà việc làm vẫn không xin được.

Thái Sơn (ghi)

Đây không phải là trường hợp hiếm hoi mà trong thời gian qua, hàng loạt vụ việc tương tự cũng đã bị các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện và xử lý. Hàng ngàn người bị sập “bẫy xin việc làm” với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng. Thượng tá Đoàn Minh Hải chia sẻ, chiêu trò lừa đảo chạy việc làm tuy không mới, thế nhưng nhiều gia đình vẫn bị lừa bởi nhu cầu tìm kiếm việc làm ổn định cho con em của mình.

Cần nêu cao cảnh giác

Các vụ việc trên cho thấy, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng hết sức đơn giản nhưng lại qua mặt được rất nhiều người, bởi chúng nắm được tâm lý của một bộ phận người dân là mong muốn cho con em mình có một nơi làm việc tốt. Với suy nghĩ “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, không ít người đã phải vay mượn khắp nơi hoặc bán hết tài sản để đưa tiền cho chúng và rồi chờ đỏ mắt ngày này qua tháng nọ mà việc thì chẳng thấy đâu.

Theo Trung tá Hoàng Văn Anh Đức, Phó đội trưởng Đội điều tra tham mưu, Văn phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, đặc điểm chung dễ nhận thấy trong các vụ việc nêu trên là đối tượng phạm tội thường tự vẽ lên hoặc thổi phồng mối quan hệ của mình với những người đương chức trong các cơ quan nhà nước hay những doanh nghiệp có uy tín để khẳng định khả năng của mình trong việc can thiệp nhờ “xin” việc. Cùng với khả năng ăn nói lưu loát, các đối tượng còn tạo niềm tin cho người khác bằng vẻ ngoài lịch lãm, sành điệu, lối sống vương giả, thậm chí hào phóng. Còn bị hại lại thường cả tin, chỉ nhìn vào vẻ ngoài sang trọng đã dễ dàng tin hoàn toàn vào lời nói một phía của đối tượng, đặt niềm tin để rồi sẵn sàng đưa số tiền lớn cho đối tượng.

Thượng tá Đinh Xuân Đại, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết: “Hầu hết các đối tượng khi bị bắt đều khai nhận chúng chỉ biết lừa tiền của người dân rồi sau đó chia nhau tiêu xài, còn hồ sơ của các nạn nhân xin “chạy” việc thì chúng đem… bỏ sọt rác, bởi thật sự các đối tượng không quen biết ai và cũng không biết cơ quan nào có nhu cầu tuyển dụng. Tất cả đều do chúng “vẽ” ra để bịp người dân”.

Theo ông Đại, đấu tranh, ngăn chặn với loại tội phạm này, ngoài việc phát hiện, xử lý nghiêm của cơ quan công an thì người dân cần nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần cảnh giác. Để hạn chế tình trạng trên, người dân khi có nhu cầu tìm việc thì phải đến trực tiếp cơ quan tuyển dụng để tìm hiểu thông tin; đồng thời, các cơ quan cũng cần công khai các chỉ tiêu tuyển dụng, có như vậy mới tránh được tình trạng “chạy” việc và các đối tượng lừa đảo theo dạng “cò” cũng hết đất sống. Ngoài ra, Công an tỉnh đề nghị, những nạn nhân bị lừa đảo cần sớm làm đơn trình báo, tố cáo hành vi vi phạm về các đối tượng này để cơ quan Công an củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định pháp luật.

Một số đường dây lừa đảo xin việc được Công an triệt phá

Nguyễn Thị Thanh Hoa (55 tuổi, trú số 9B Ngô Thời Nhậm, phường Thuận Hòa, TP. Huế) đã dùng thủ đoạn gian dối, tung tin giả lừa đảo nhiều người có nhu cầu xin việc làm, nhận tiền xin việc với số lượng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Từ năm 2012 đến tháng 4/2015, Hoa đã lừa 325 trường hợp, chiếm đoạt số tiền 23,5 tỷ đồng.

Phan Thị Thùy Trang (35 tuổi, trú 157 Mai Thúc Loan, TP. Huế), từ đầu năm 2014 đến tháng 10/2016, Trang ra giá từ 80- 160 triệu đồng mỗi trường hợp để chạy việc. Trên thực tế, Trang đã chiếm đoạt của 22 người với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng mà không xin được việc cho bất cứ trường hợp nào.

Lê Thị Kim Cúc (58 tuổi, trú tại 1/4/33 Nguyễn Trường Tộ, phường Phước Vĩnh, TP. Huế) là một giáo viên về hưu, tự giới thiệu mình quen biết nhiều lãnh đạo bộ, ngành và có thể xin được việc làm vào các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện. Bình quân mỗi suất xin việc làm, các nạn nhân đã gửi cho Cúc từ 60-180 triệu đồng. Hiện Cúc đã “ôm” hơn 1,5 tỷ đồng bỏ trốn.

Bài, ảnh: Thái Bình