Theo đánh giá của Chính phủ, tháng đầu năm nay, vốn FDI trong cả nước thực hiện ước đạt 420 triệu USD (tăng 5% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, hiện giới đầu tư nước ngoài đang chờ đợi sự ra đời của nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý vốn FDI đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan này phải làm rõ những cơ chế, chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng như phân công các bộ, cơ quan liên quan chủ trì nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đó. Mục tiêu quan trọng và rõ nhất là tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng, bảo đảm môi trường đầu tư của Việt Nam không kém hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực.

 

Với lợi thế nhiều tiềm năng và cơ hội về thu hút đầu tư, vài năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế đã bứt phá một cách ngoạn mục để vươn lên thành một trong mười tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút vốn FDI của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước với nhiều dự án hàng tỷ USD. Với tháng đầu năm nay, trong tổng vốn đầu tư mà nơi này thực hiện ước đạt gần 800 tỷ đồng thì vốn FDI đạt hơn 100 tỷ đồng (bằng gần 6% kế hoạch, tăng gần 27% so cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 14% tổng vốn). Nhằm đón đầu cơ hội thu hút đầu tư để từng bước chuyển mình trở thành Thành phố trực thuộc T.Ư, Thừa Thiên Huế đang nỗ lực huy động mọi tiềm lực, cải thiện môi trường. Đáng chú ý, ngay trong những ngày đầu năm, nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất đỗi hân hoan khi đón nhận thông tin Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao vừa ký quyết định ban hành quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, khi thực hiện các dự án đầu tư vào tỉnh nhà, ngoài các ưu đãi được hưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước, các nhà đầu tư này còn được hưởng thêm các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh trên một số địa bàn, dự án; ưu đãi về thuế và đất đai; hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào; hỗ trợ giao đất sạch, giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn; ưu đãi, hỗ trợ các dự án trong khu công nghệ thông tin tập trung, khu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin; hỗ trợ đào tạo; hỗ trợ xúc tiến đầu tư; hoàn trả kinh phí ứng trước của nhà đầu tư.

 

Nhìn lại 25 năm thu hút FDI vào Việt Nam cho thấy, dòng vốn này thật sự chiếm một vai trò rất quan trọng; do khu vực kinh tế có vốn FDI đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Riêng với sự khởi đầu thuận lợi trong năm mới, các điều kiện cần để có một năm đổi mới toàn diện về công tác thu hút, quản lý FDI đang hội tụ với nhiều cơ hội đang mở ra. Trước sự sẵn sàng thực thi các chính sách của Chính phủ nói chung và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng của các cấp, các ngành liên quan sẽ là điều kiện đủ để xúc tác khí thế đang lên của dòng vốn FDI vào Việt Nam và tỉnh nhà có cơ sở ổn định bền vững và theo đúng định hướng.

Vĩnh Cự