Nhưng trời Huế năm qua khác lạ lắm rồi, gần như năm Nhâm Thìn đã mất hút bóng dáng mùa mưa, nhường chỗ cho âm hưởng thu vàng lạ lẫm phảng phất khiến mọi người rất đỗi ngạc nhiên. Bước vào tháng 11 vừa qua, khá nhiều loài cây xanh đã khoác cho mình một chiếc áo vàng rực rỡ hiếm thấy. Cây cơm nguội vàng (góc đường Lê Lợi – Lê Lai) đã thật sự vàng chói dưới tia nắng le lói của sắc Thu. Nhiều cây lim xẹt cánh cũng khoe sắc vàng rực rỡ. Cây sau sau cũng chẳng thua chị kém em, cả vòm lá lung linh màu vàng gợi cảm (đường Lê Lợi, công viên Phú Xuân...). Rồi cây bàng đã thật sự đỏ lá phủ cành... Tất cả chỉ có năm vừa qua.


Những cây sau sau trở vàng trên đường Lê Lợi

Đây là dấu hiệu thích ứng của cây xanh đối với biến đổi khí hậu, mọi năm không có tiết thu, lá của những loài cây vừa nêu vàng không tập trung, rơi rụng lẻ tẻ, khiến cây không nhuốm sắc vàng toàn bộ vòm tán như năm nay. Ngay cây bàng, những năm về trước phải mãi ra Tết mới thay màu đỏ lá, rải rác đây đó có vài cây nhuốm đỏ toàn phần, nhưng vào thời điểm vừa nêu hầu như hàng loạt cây bàng trên nhiều tuyến đường, ngõ phố đã mang sắc đỏ khá đồng đều.

Một động thái cũng đáng quan tâm là nhiều cây xanh đã trổ hoa sớm hơn hẳn mọi năm. Những cây vàng anh ở công viên Phú Xuân thường ra hoa từ cuối tháng chạp đến tháng 3 âm lịch hằng năm thì năm nay chúng đã trổ hoa rộ rất sớm; Loài lim xẹt cánh ở thành phố Huế thường nở hoa vào dịp tháng 3-4 âm lịch thì nay nhiều cây ở đường Trần Hưng Đạo (trước chợ Đông Ba) cũng đã trổ hoa, những chiếc lá vàng đầu tiên của cây ngô đồng cũng bắt đầu lìa cành sớm hơn mọi năm... Những đổi thay đặc điểm hình thái nhiều loài thực vật là hiện tượng chỉ thị hiệu ứng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Đặc biệt, nhiều loài cây gỗ có tính cảm ứng rất mạnh với sự biến động thời tiết khí hậu. Từ lâu, đã có một ngành khoa học chuyên nghiên cứu các hiện tượng biến động hình thái, sinh lí thực vật liên quan đến biến động thời tiết khí hậu được gọi là ngành “Vật hậu học” còn gọi là “Hiện tượng học thực vật “ (Phenology). Các nhà khí tượng học cũng từng vận dụng các thành tựu của khoa học này để dự báo thời tiết khi không có các phương tiện quan trắc trong tay.

 
Cây cơm nguội vàng góc đường Lê Lợi - Lê Lai

Nhìn lại thời tiết Huế những tháng cuối năm vừa qua cho thấy, mối tương quan vừa nói hoàn toàn chính xác. Suốt cả quý 3 năm Nhâm Thìn, Huế rất ít mưa, có chăng chỉ là mưa nhỏ lẻ, không kéo dài triền miên như thông lệ. Thay vào đó, trời luôn nhiều sương vào đêm và sáng sớm, nhiệt độ không cao, cũng không quá thấp, tiết trời mát mẻ kéo dài cho đến Tết và mãi đến những ngày đầu xuân, tiết trời hầu như vẫn đang giao hòa giữa thu và xuân. Và Huế đã mất đi một mùa đông, đúng hơn là một mùa mưa, một sự biến động lạ lùng.

Dựa vào kinh nghiệm quan sát nhiều năm, kết hợp với kiến thức vật hậu học để chiêm nghiệm hiện trạng vừa nêu, tôi nghĩ rằng mùa thu chớm về với Huế là một dấu hiệu đáng lo hơn đáng mừng, vì rồi đây có thể thời tiết Huế sẽ biến động bất thường theo chiều hướng tiêu cực trong thời gian sắp tới.
 

Cây lim xẹt vàng đồng hành cùng những cây sau sau trên đường Lê Lợi
 
Do không có mùa mưa như thường lệ, hệ quả bất lợi cho canh tác nông nghiệp đã rõ nét, đã có nhiều thông tin khiến cho chúng ta quan ngại cho những gì xảy ra với nông dân. Điều đáng lo hơn nữa là giêng hai thời tiết sẽ thế nào? Đó là chưa nói đến bao nhiêu hệ lụy khác nữa mà cộng đồng Thừa Thiên Huế chúng ta phải đối mặt như thiếu nước cho thủy điện, cho sản xuất nông-công nghiệp, mặn xâm nhập sâu vào đất liền, dịch bệnh bùng phát cho cả người và vật nuôi... Và nếu kiểu thời tiết cực đoan này lặp lại trong nhiều năm sắp tới, nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học cũng sẽ khó lường, từ đó sẽ có tác động ngược chiều về tiểu khí hậu, về sản xuất theo một vòng xoáy lẩn quẩn. Đúng là một thách thức lớn của ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu.
NGƯT Đỗ Xuân Cẩm