Nhưng số phận của Bạch Mã thì khác hẳn với Sơn Trà. Bạch Mã vẫn đang ngủ im lìm, vì di sản thiên nhiên quý hiếm này rất kén chọn nhà đầu tư, và có lẽ, cũng kén chọn cả du khách. Một chuyên gia bảo tồn thiên nhiên ở Huế cho rằng, chính sự chậm đầu tư lại là điều may mắn cho Bạch Mã. Vì chỉ cần chạm vào “hòn ngọc” Bạch Mã một cách không thông minh và thiếu trong sáng là “ngọc” sẽ tan.

Huyền ảo Bạch Mã. Ảnh: Hồ Ngọc Sơn

Cuộc tranh chấp bảo tồn - phát triển

Cuộc tranh luận nảy lửa về Sơn Trà vẫn là cuộc tranh chấp giữa bảo tồn và phát triển - một mối mâu thuẫn đã trở nên gay gắt ở Việt Nam từ khi tăng tốc phát triển. Vì vậy mới có người nói, khi Sơn Trà hoang vắng, chẳng nghe ai nói gì về giá trị của nó, sao bây giờ lại xuất hiện nhiều danh hiệu đến thế. Nhưng quả thật, bán đảo Sơn Trà đang mang trong mình nhiều giá trị rất lớn về sinh thái và tài nguyên sinh vật, về môi trường, về an ninh quốc phòng... được gọi bằng những cái tên đầy tôn vinh: “Lá phổi xanh của thành phố”, “Ngôi nhà của voọc chà vá chân nâu”, " 'Mắt thần' Đông Dương”...

Vì lý do đó, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng mới quyết liệt đề xuất phải giữ gìn nguyên trạng Sơn Trà. Không phải để cho nó hoang vắng như trước đó, mà là để khai thác giá trị đặc sắc của thiên nhiên Sơn Trà bằng cách cho du khách vui chơi trong rừng núi, ngắm cảnh hoang dã với chim kêu, vượn hú, thưởng thức ngọn gió biển trong lành... và trở về ngủ trong những khách sạn ở thành phố Đà Nẵng. Tổng cục Du lịch và chính quyền TP. Đà Nẵng thì cho rằng rừng núi biển đảo Sơn Trà đẹp thì phải khai thác để phát triển du lịch. Bản quy hoạch do Tổng cục Du lịch xây dựng đã cho thấy cách khai thác vẫn là xây dựng các khách sạn với qui mô 1.600 phòng.

Cuộc tranh chấp tạm dừng trong 90 ngày, chờ UBND TP. Đà Nẵng rà soát để Chính phủ quyết định. Bài toán Sơn Trà sẽ rất khó giải khi mà giữa bảo tồn và phát triển vẫn đối nghịch nhau. Tình cảnh này không chỉ xảy ra ở Sơn Trà mà cả nhiều nơi khác ở Việt Nam hiện nay. Không thể bảo tồn bằng cách giữ khư khư báu vật cho muôn đời sau, nhưng cũng không thể phát triển chỉ bằng một con đường là xây dựng khách sạn. Cách đây chỉ một tuần, ngày 10/6, tại Diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên tổ chức ở Quảng Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhắc lại một lần nữa: “Du khách đến Việt Nam không phải để nằm trong các khách sạn 5 sao. Họ đến đây để tìm những cái mà họ không thể tìm thấy ở nước họ, và cả những nơi khác”.

Chim đại bàng - một “cư dân” của Bạch Mã

Bạch Mã là du lịch cao cấp

Đã có nhiều bài học về bảo tồn và phát triển, nhưng “bài học Sơn Trà” kề cận  đáng để cho Bạch Mã tham khảo, tránh lâm vào một cuộc khủng hoảng không nên có. Bạch Mã lại còn mang trong mình nhiều giá trị quí giá hơn cả Sơn Trà. Bạch Mã là vườn quốc gia - cấp quản lý cao nhất được thiết lập để bảo vệ nghiêm ngặt một loại rừng nguyên sinh quý hiếm, như là một di sản thiên nhiên. Các tài liệu về tài nguyên thiên nhiên đều ghi nhận Bạch Mã là trung tâm của dãy rừng xanh tự nhiên còn lại duy nhất của Việt Nam kéo dài từ biển Đông đến biên giới Việt - Lào, là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của khu vực Đông Dương đã được các nhà sinh học bảo tồn thế giới xếp vào loại có giá trị bảo tồn cao nhất trên toàn cầu.

Bạch Mã đã là khu nghỉ dưỡng nổi tiếng từ thời Pháp thuộc (năm 1932). Hiện nay, theo quy hoạch du lịch quốc gia, Bạch Mã là một trong sáu điểm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ. Nhưng Bạch Mã lại là vườn quốc gia với nhiệm vụ chính là bảo tồn thiên nhiên, một thứ thiên nhiên quý hiếm với rừng nguyên sinh hàng triệu năm tuổi và nhiều loài động - thực vật đặc hữu. Vì vậy, Bạch Mã đòi hỏi một cách khai thác du lịch cao cấp, thu nhiều tiền nhưng không đón nhiều khách. Bạch Mã đòi hỏi những nhà đầu tư phải thật sự yêu thiên nhiên và kiên nhẫn chờ vốn sinh lãi. Đó là lý do mà du lịch Bạch Mã đến giờ này vẫn còn vắng lặng.

Chính quyền và ngành du lịch Thừa Thiên Huế rất sốt ruột với sự chậm trễ này. Nhưng các chuyên gia bảo tồn thiên nhiên lẫn chuyên gia kinh tế lại cho rằng chính sự chậm trễ này lại là may mắn cho Bạch Mã. Hay nói cách khác là nhờ vậy mà đến giờ này Bạch Mã vẫn còn giữ nguyên, khi chưa tìm ra cách khai thác tài nguyên quý hiếm này một cách hiệu quả và bền vững nhất, cũng như chưa chọn được một nhà đầu tư đủ tầm.

Bạch Mã có khu vực dành cho cộng đồng, có khu vực dành cho khách với tour giá cao cũng là một đề xuất hay

Đón ít khách nhưng thu nhiều tiền

Trên báo Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Văn Kéo - Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã - cho rằng nếu chỉ kinh doanh du lịch sinh thái, thì không phải nhà đầu tư nào cũng muốn. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng Bạch Mã vẫn đang lúng túng trước câu hỏi: “Đón nhiều khách hay thu nhiều tiền?”.

Theo PGS.TS Bùi Thị Tám, Trưởng khoa Du lịch - Đại học Huế, Bạch Mã là thiên nhiên quý hiếm nên phải khai thác theo hướng du lịch cao cấp, không thể đón khách theo kiểu ồ ạt. Nếu đưa khách lên Bạch Mã với số lượng đông đúc thì nguy cơ phá hỏng Bạch Mã là rất khó tránh khỏi. Tài nguyên Bạch Mã quá lớn, giá trị đặc thù rất cao, nhưng du lịch Bạch Mã không phải thị trường đại chúng. Sẽ rất mất giá nếu đem so sánh Bạch Mã với một số điểm du lịch đại chúng khác.

Cũng trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hàng Quý - Giám đốc Công ty lữ hành HGH (Huế), cho rằng giá trị thiên nhiên của Bạch Mã khác hẳn Bà Nà (Đà Nẵng) nên Bạch Mã không thể đón khách vào rừng một cách ào ạt. Theo ông Quý, chỉ có thể khai thác Bạch Mã theo nhiều loại sản phẩm, vẫn có khu vực dành cho cộng đồng, nhưng khu vực bảo tồn thì dành cho loại khách thật sự yêu thích thiên nhiên và có chuyên môn về rừng. Đó là những tour thám hiểm, xem thú rừng, ngắm chim, nghe chim hót… với giá cao. Các tour đặc biệt này đang thu hút nhiều du khách cao cấp trên thế giới.

Giá trị đặc sắc của Bạch Mã đòi hỏi một cách khai thác thông minh, bền vững và kiên nhẫn. Sản phẩm du lịch Bạch Mã đương nhiên phải lấy thiên nhiên làm trọng, với những loại hình phù hợp và riêng biệt. Phân tích của các nhà chuyên môn cho thấy Bạch Mã không phù hợp với những đoàn khách lên núi nườm nượp. Và, câu trả lời cho Bạch Mã là: “Đón ít khách nhưng phải thu nhiều tiền!”. Vì vậy, cần tính toàn thật kỹ cách vận chuyển bằng cáp treo đang thịnh hành hiện nay.

Du khách đến Bạch Mã rất ấn tượng với lời nhắc nhở: “Không để lại gì ngoài những dấu chân, không mang gì về ngoài những tấm ảnh”. Thật hiếm có khu du lịch nào mà du khách vui vẻ khi bị cấm chạy xe máy lên núi, vì tiếng ồn động cơ sẽ làm ảnh hưởng đến sinh cảnh tự nhiên của thú rừng. “Đừng làm chim thú giật mình!” - lời nhắc nhở của Bạch Mã khiến chúng ta phải suy nghĩ. Bởi vì, sự yên tĩnh không chỉ mang lại bình yên cho chim muông, mà còn mang về cho du lịch Bạch Mã một nguồn thu đáng kể từ các sản phẩm du lịch cao cấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho rằng phải thận trọng với tình trạng đầu tư nhỏ lẻ, manh mún, tránh những nhà đầu tư không đủ lực để làm tới nơi tới chốn, trong khi lại chọn những chỗ đẹp. Điều này, chẳng những không đóng góp gì nhiều cho Bạch Mã mà còn làm hỏng nó, và làm ảnh hưởng đến những nhà đầu tư có năng lực về sau.

Bài: MINH TỰ - Ảnh: ĐĂNG TUYÊN