Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, tới năm 2050, lượng chất thải nhựa trên biển trên toàn thế giới sẽ vượt cả số lượng cá. Biến đổi khí hậu và đại dương ấm lên khiến nước biển nhiễm axít hoá, tẩy trắng san hô, làm suy giảm đa dạng sinh học.

Vùng biển Trung bộ có trữ lượng khai thác thủy sản khoảng 712.000 tấn, chủ yếu là khai thác xa bờ. Riêng Thừa Thiên Huế có năng suất khai thác hợp lý từ 40.000 - 50.000 tấn/năm. Ngoài ra, ngư dân Thừa Thiên Huế có kinh nghiệm trong việc di chuyển ngư trường theo mùa vụ nên hàng năm có thể mở rộng ngư trường khai thác hải sản từ biển Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ và ra đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa.

Bên cạnh những thành tựu cơ bản, quan trọng về các mặt kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, kết cấu hạ tầng, hệ thống chính sách... đạt được trong 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nước ta vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Việc khai thác, sử dụng các nguồn biển và hải đảo chưa thực sự có hiệu quả, còn thiếu bền vững, nhất là trình độ khai thác tài nguyên biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu hơn hẳn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên, hiệu quả kinh tế chưa cao (một số nước tiên tiến quy định rất cụ thể kích thước, cân nặng đối với từng loại hải sản được phép khai thác, đánh bắt).

Sau ảnh hưởng của sự cố môi trường biển xảy ra ở 4 tỉnh miền Trung, tính riêng sản lượng khai thác hải sản trên biển của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016 chỉ đạt khoảng 26 nghìn tấn, giảm chừng 24% so với cùng kỳ. Về tiềm ẩn nguy cơ sự cố môi trường, công tác quản lý còn bất cập, nhận thức của người dân chưa đồng đều, chưa có nhiều cơ sở khoa học nghiên cứu về lĩnh vực này...

Để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên biển,  việc cần làm là nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và khách du lịch. Tích cực đẩy mạnh các hoạt động làm sạch các bãi biển, không xả rác, nhất là rác thải ni-lông ở các bãi biển. Tiếp tục xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển và hải đảo một cách phù hợp với điều kiện trong nước, của từng địa phương và tình hình quốc tế về biển nhằm khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển, góp phần làm giàu từ biển, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.

Song song với việc sử dụng có hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, chú trọng phòng ngừa, ngăn chặn kết hợp xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên, giải pháp quan trọng nữa là cần đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về biển, đại dương, tạo cơ sở khoa học để phát huy tiềm năng của đại dương, biển và hải đảo Việt Nam, cũng như đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, a-xít hóa đại dương, bảo tồn các vùng biển và nguồn tài nguyên biển, các hệ sinh thái ven biển, phát triển nghề cá bền vững, phòng chống thiên tai, xâm thực bờ biển.

Hoài Nguyên