Hơn 17 năm trong nghề, không nhớ bao lần phải đi cơ sở - mà bạn bè thường đùa là trên “từng cây số”. Mà đúng, cánh nhà báo thường đi công tác nhiều. Nay nơi này, mai nơi kia, khi thì về tít ở xã biển, lúc lại vượt đèo lên địa bàn vùng cao. Những lần như thế được anh em cơ sở vui vẻ mời cơm, hay một vài cốc bia... Cách mời mọc đó, mục đích chỉ là xã giao, chẳng có gì phải bận tâm. Tuy vậy, với người ngoài, thấy nhà báo ăn uống với cán bộ cơ sở như thế không khỏi hồ nghi. Người ta hồ nghi cũng có lý. Bởi lẽ, cũng có vài nhà báo làm việc xong, thường gợi ý cơm nước, bia bọt; thậm chí, còn “khèo” thêm cái khoản “tế nhị”... kiểu “được ăn, được nói, được gói mang về”. Chuyện này, không ít lần chính tôi nghe mấy anh em ở cơ sở kể. Nghe mà chạnh lòng. Biết làm sao, đành tự an ủi, thầm nghĩ đó chỉ là hiện tượng cá biệt.

Làm báo thì phải đi đây đi đó. Đi vì nghề, vì công việc. Với một số người, đi, một phần nữa là vì... nghiện! Nghiện đến mức, có người hễ ngày nào không vác xe chạy long nhong ngoài đường là trong người cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Có người, đôi khi không có việc gì, vào ngày nghỉ cuối tuần vẫn chạy tới, chạy lui. Tôi nằm trong số những người chưa nghiện đến như vậy, nhưng nhẩm lại cũng thấy hoảng, vì hơn một nửa thời gian trong ngày, trong tuần mình ở ngoài đường hay đâu đó. May “hậu phương” giàu lòng chia sẻ, tạo điều kiện giúp mình có trách nhiệm nghề nghiệp trước các sự kiện, vấn đề của cuộc sống...

Nghề báo đôi khi hay sa đà, nặng lòng trước các sự kiện để quên mất những điều không nên quên. Như đã có lần, đang căm cụi “cày” thì có một bạn đọc gọi đến “khen” bằng một câu hỏi: “Tài vậy, số báo trước thấy anh ở xã biển xa tít, số báo hôm nay anh lại có bài viết ở xã vùng đồi”. Vui thì vui nhưng không ít lần nghe “hậu phương” thủ thỉ bên tai : “Mấy năm rồi mỗi lần sinh nhật vợ, con, ba lại đi công tác”. Tôi đã xuất hiện trên “từng cây số”. Vậy mà không chỉ một lần, tôi đã bỏ qua những “cung đường” không nên bỏ qua của cuộc đời mình...

Ninh Hoàng