Kiểm tra sức khỏe cho người có công ở TP. Huế

Tại buổi làm việc mới đây giữa lãnh đạo tỉnh và các phường, xã trên địa bàn TP. Huế, nhiều ý kiến phản ánh vẫn còn hồ sơ, thủ tục chưa được xử lý rốt ráo. Trong quá trình triển khai về chế độ ưu đãi người có công vẫn còn những quy định chưa sát và gặp khó khăn trong thực tiễn. Nhu cầu xin xác nhận hồ sơ vẫn còn nhưng số hồ sơ đủ các điều kiện theo quy định lại rất ít. Đa phần, thiếu hồ sơ gốc lưu quá trình bị thương, hoặc đơn vị công tác không còn nên không tìm được hồ sơ, mất giấy tờ do thiên tai, hỏa hoạn… Khá nhiều trường hợp giấy tờ không khớp, thiếu căn cứ để xác minh tính chính xác. Ngoài ra, người dân không nắm rõ các quy định và các văn bản của Nhà nước nên chưa làm hồ sơ theo đúng quy trình hoặc xin được hưởng chế độ khi không nằm trong các đối tượng được xét duyệt… Các ngành chức năng gặp khó khăn trong thẩm tra, xác minh.

Theo kết quả tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, TP. Huế có 6 trường hợp hưởng sai chế độ đã có quyết định thu hồi. Các phường hiện đang lúng túng giải quyết khi có người hưởng chế độ ưu đãi gần 20 năm mới phát hiện. Chính quyền địa phương không biết thu hồi bằng cách nào khi người dân có động thái lảng tránh. Bà Phan Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, cho hay: “Các  địa phương cần tiến hành rà soát, phân loại đối tượng đã hưởng sai chế độ, bao gồm: đối tượng hiện nay có điều kiện và khả năng truy thu; đối tượng đã từ trần; đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo và những người thuộc diện hộ nghèo đang gặp khó khăn… Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng thực hiện ngay việc thu hồi số tiền hưởng sai chế độ đối với những đối tượng có điều kiện hoàn trả, số đối tượng gặp khó khăn các địa phương cần có tờ trình để sở xem xét chuyển lên các cơ quan có thẩm quyền giải quyết”.

Một trong những vấn đề mà nhiều gia đình chính sách trên địa bàn thành phố quan tâm là 132 hộ gia đình chính sách được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở theo Quyết định 22/2013/ QĐ -TTg; tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 42 hộ được cấp kinh phí, 86 hộ còn lại với tổng kinh phí cần hỗ trợ trên 1,8 tỷ đồng vẫn đang tiếp tục đợi. Nhiều gia đình vay mượn để mua nguyên vật liệu nhưng đến nay vẫn chưa được Nhà nước hoàn trả nên gặp khó khăn.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các ngành liên quan giải thích: tình trạng chậm trễ kinh phí hỗ trợ do ngân sách TW chưa cấp đủ theo quy định cho nên hầu hết các địa phương đều thực hiện chậm so với yêu cầu. Hơn nữa, việc mở rộng đối tượng thụ hưởng cũng làm cho số hộ được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở tăng lên rất nhiều. Các cơ quan, ban, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào đền ơn đáp nghĩa, vận động các tổ chức và cá nhân ủng hộ, đẩy mạnh xã hội hóa việc tham gia xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công, tránh tư tưởng chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước...

Các địa phương phản ánh, việc ủy quyền về thờ cúng liệt sĩ có một số trường hợp là anh em trong gia đình không chịu xác nhận nên lập hồ sơ gặp khó khăn. Đồng thời, số tiền phải chi trả cho các trường hợp này thì địa phương cũng lúng túng trong xử lý, vì không thể giao trực tiếp cho đối tượng khi còn vướng mắc và cũng không thể giữ lại.

Tại hội nghị, ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu: “Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật, đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định để những người có công xứng đáng được hưởng chính sách ưu đãi. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ, phải tận dụng tối đa mọi thông tin nhằm phục vụ việc xác nhận người có công chính xác. Đồng thời, khi có kết quả cần thông báo công khai cho gia đình người có công và nhân dân tại địa phương... Cán bộ chính sách cần tăng cường công tác phổ biến chính sách, hướng dẫn cụ thể và làm việc thấu đáo để thực hiện  đúng quy định đề ra.

Bài, ảnh: Huế Thu