Thiếu nguyên phụ liệu sản xuất, nhiều DN DM không chủ động được đơn hàng

Thiếu công nghiệp hỗ trợ

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng DM đạt 580 triệu USD, chiếm 80% tổng KNXK của tỉnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) DM lại bỏ ra 370 triệu USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Chưa kể, nhiều DN còn nhập nguyên phụ liệu từ các DN 100% vốn nước ngoài ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh với con số không nhỏ. Từ thực tế này, nhiều người cho rằng lâu nay các DNDM trên địa bàn chỉ làm khâu trung gian, nhập nguyên phụ liệu về và thuê nhân công “gia công” và đưa đi xuất khẩu.

Là DN sản xuất hàng DM xuất khẩu với đơn hàng 100% FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), đây là điều kiện thuận lợi để DN tự quyết định nguyên phụ liệu sản xuất. Song, đến nay Công ty Svavi Huế vẫn phải nhập 100% nguyên phụ liệu sản xuất, mỗi năm phải chi hàng chục tỷ đồng cho kinh phí vận chuyển. 

Thiếu CNHT, Công ty CP Dệt may Huế phải nhập nguyên phụ liệu ở nước ngoài hoặc các DN từ Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh

Tổng Giám đốc công ty, ông Trần Văn Mỹ cho rằng: “Những nguyên phụ liệu như tem nhãn, cúc, kim, chỉ, bao bì đóng gói… DN đều phải nhập từ các nước tiên tiến hay các tỉnh, TP lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh do các DN 100% vốn nước ngoài sản xuất.

Sau hai lần tổ chức hội thảo kết nối các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu DM để thu hút các tập đoàn lớn đầu tư tại Huế, song đến nay chỉ mới thu hút được 1 nhà đầu tư, đó là dự án sản xuất nguyên phụ liệu dệt may của Công ty Hivi (Hồng Kông)”. Theo ông Mỹ, sản xuất hàng DM tại Huế gặp khá nhiều thuận lợi, từ quỹ đất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực đến các ưu đãi đầu tư. Nếu có thêm các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu, DN sẽ mở rộng quy mô và phát triển thêm nhiều sản phẩm mới.

Không riêng gì hàng phụ trợ, hoạt động sản xuất DM luôn cần các dịch vụ như in và giặt là, song đến thời điểm này trên địa bàn vẫn chưa hình thành các nhà máy chuyên phục vụ các dịch vụ này nên các DN DM phải vận chuyển hàng vào tận Quảng Nam, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với cước phí vận chuyển cao, trong khi không chủ động được nguồn hàng.

“Gia công 1 chiếc áo chỉ có giá trên dưới 70 cent, trong khi đó tiền công trả cho dịch vụ in lại mất hơn 1 USD và phí các dịch vụ như giặt, hấp, thêu còn cao hơn, gấp 2 lần tiền công may sản phẩm. Song, vì trên địa bàn chưa có DN nhận thực hiện các công đoạn này nên thêm lần nữa, DN phải cất công đưa hàng đi giặt, hấp, in và thuê xe vận chuyển ngược về Huế để đóng gói xuất khẩu”, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế- Nguyễn Bá Quang phân tích.

Tiếp sức

Trước thực trạng thiếu trầm trọng nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, đặc biệt là nguyên liệu cho ngành DM, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2025 với tổng kinh phí 52 tỷ đồng. Trong đó, sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm CNHT phục vụ sản xuất công nghiệp, như CNHT DM- da giày; linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa- cao su và phụ tùng điện- điện tử…, trong đó tập trung phát triển lĩnh vực CNHT DM. Ngoài ra, sẽ hình thành và phát triển khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ DM tại KCN Phong Điền thành trung tâm sản xuất CNHT DM lớn của khu vực miền Trung và cả nước.

Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện đề án “Phát triển KCN hỗ trợ ngành DM” và trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, KCN có diện tích khoảng 400 ha nằm trong KCN Phong Điền với mục tiêu kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực nguyên, phụ liệu nhằm đáp ứng nhu cầu cho ngành công nghiệp DM trên địa bàn tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cả về số lượng lẫn chất lượng. Cùng với đề án này, KCN Phong Điền hiện có 3 nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng với tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà máy cho các DN.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư- Phan Thiện Định thông tin: “Ngoài công tác xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp, UBND tỉnh cùng với Tập đoàn Scavi làm việc với Bộ Công thương xúc tiến việc đề xuất hình thành khu vực dịch vụ chuyên ngành DM nội y và thể thao tại KCN hỗ trợ ngành DM. Trong đó, Tập đoàn Scavi có vai trò kết nối, kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào ngành CNHT DM, tạo chuỗi giá trị sản phẩm may mặc.” Theo ông Định, sau khi đề án “Phát triển KCN hỗ trợ ngành DM” phê duyệt, sở sẽ cùng các nhà đầu tư hạ tầng tiến hành triển khai các thủ tục để đầu tư các hạng mục còn lại, sẵn sàng phục vụ các DN sản xuất CNHT nói chung và ngành DM nói riêng.

Phó Trưởng ban Ban quản lý các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh-Nguyễn Văn Sơn cho rằng, trong danh mục xúc tiến kêu gọi đầu tư, ban luôn chú trọng đến các dự án sản xuất CNHT, đặc biệt là CNHT DM nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà máy. Ngoài việc đôn đốc hình thành KCN hỗ trợ DM và hoàn thiện hạ tầng tại các KCN, sắp tới ban sẽ xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án sản xuất nguyên phụ liệu DM trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các dự án sản xuất CNHT, giải quyết nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các DN.

Bài, ảnh: Thanh Hương