Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh, thành của cả nước thu hút nhiều thí sinh về dự kỳ thi THPT và ĐH, CĐ. Dịp này, các dịch vụ ăn uống; trong đó, có thức ăn đường phố sẽ gia tăng. Thí sinh Đinh Thị Hồng (TP. Huế) chia sẻ, mùa thi cũng vào thời điểm thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm, thức ăn nhanh bị ôi thiu, dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao. 

Kiểm tra thức ăn đường phố  trước Trường Đại học Sư phạm Huế. Ảnh: Minh Thận

Bác sĩ CK II Nguyễn Ngọc Diễn, Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh cho biết, để phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 tốt đẹp, vấn đề ATVSTP được đặt lên hàng đầu. Hiện, Chi cục và các trung tâm y tế huyện, thị xã, nơi có tổ chức điểm thi sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATVSTP đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, các quán ăn phục vụ thí sinh và người nhà thí sinh. 

Đối với các cơ sở ăn uống sẽ tập trung kiểm tra giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức ATVSTP đối với chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm; bảo đảm nước sạch dùng cho chế biến thực phẩm… Các cơ sở thức ăn đường phố phải cách biệt khu vực không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm; thức ăn phải có dụng cụ che nắng, mưa, bụi...; kiểm tra dụng cụ chứa thực phẩm… Với các cơ sở từ thiện, nhà chùa, hàng năm có chương trình hỗ trợ cơm miễn phí cho các sĩ tử ở xa được lưu ý vấn đề ATVSTP. Quá trình chế biến phải lưu mẫu để ngành chức năng thuận tiện trong việc kiểm dịch.

Bên cạnh thanh kiểm tra, hoạt động truyền thông vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, nhận biết, sử dụng thực phẩm, thức ăn an toàn; tuyệt đối không mua bán, sử dụng thực phẩm không biết rõ nguồn gốc, thực phẩm không an toàn. Chủ động bảo đảm ATVSTP cho những khu vực, địa điểm diễn ra hoạt động thi cử tập trung đông người. Phát hiện, tố giác kịp thời cho cơ quan quản lý các cơ sở không đảm bảo ATVSTP, không chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSTP, khai báo khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra. Đồng thời, các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện có phương án dự trữ cơ số thuốc men, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu để sẵn sàng đáp ứng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Bài, ảnh: Minh Văn