Tôi tò mò nhìn vào, bỗng thấy người bạn đang chuyển những chiếc hộp cho những người khác đang bán hàng. Chẳng biết bán thứ gì, bạn thu mỗi hộp là 2.000 đồng. Nhìn thấy tôi, bạn hỏi:

- Em bán cơm bụi, chị mua không? Mà chị không đủ chuẩn để mua cơm của em nhé!

-  Chảnh hí. Cơm chi mà 2.000 đồng một hộp? E cơm không có thức ăn, ai nuốt nổi mà mua? Tôi nửa đùa, nửa thật.

Cảnh xếp hàng rất văn minh tại quán cơm 2.000 đồng

- Thay cho câu trả lời, bạn mở nắp một chiếc hộp ra. Bên trong là cơm, một miếng sườn to bằng nửa bàn tay người lớn, một lát đậu khuôn rán, rau muống xào, măng xào, kèm theo gói canh.

- Hộp cơm như thế này, trên thị trường là 15.000 đồng, sao em chỉ lấy có 2.000 đồng? Tôi ngạc  nhiên.

T. (bạn tôi, xin giấu tên) kể: “Bọn em (nhóm bạn mang tên 2T) mở quầy bán cơm giúp những người có hoàn cảnh khó khăn từ 4 năm nay. Ban đầu có ý định làm từ thiện, lại nghĩ sợ nhiều người nghèo nhưng tự trọng cao, họ có đói cũng không xin ăn, nên em thu tiền ở mức thấp nhất. Mỗi tuần, chúng em bán một lần vào sáng chủ nhật. Mỗi lần nấu cơm, ít nhất là 35kg gạo, chưa kể các món khác, như thịt, cá kho, canh, xào... vốn mua thực phẩm và gạo, trả tiền gas, điện, nước… thì ngoài số tiền bán cơm, bản thân em, bạn bè thân hữu, anh em ruột đóng góp. Khi nào họ kẹt thì tự em lo liệu.

-  Có phải thuê người nấu, dọn dẹp, mặt bằng bán hàng không? Tôi  hỏi T.

- Không, em thân một chị hay nấu đám cưới, cũng có tâm làm việc thiện. Chị ấy giúp chúng em nấu nướng, đi chợ. Em huy động nhân lực, khi thì người trong gia đình, khi thì người ở nhà hàng, hoặc bạn bè đến giúp nhặt rau, chế biến gia vị. Khi nào chị ấy bận, bí quá, em đặt cơm ở quán khác (mỗi suất từ 15.000 đồng - 20.000 đồng) bán lại theo giá 2.000 đồng. Còn mặt bằng bán hàng, họ bán cà phê ban đêm. Ban ngày em chỉ mượn khoảng một giờ, không phải trả tiền thuê.

Đây gần Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế, nhiều người nhà, bệnh nhân nghèo đã đến mua cơm. Ngoài ra, còn có những người bán vé số, thu mua ve chai, sinh viên… Tôi đếm gần 200 suất cơm, chỉ hơn 30 phút bán ra, cơm đã hết. Nhiều người đến sau không mua được, có vẻ tiếc nuối.

-  Hôm nay sao không thấy em sinh viên P. đến mua cơm hè, T. hỏi các bạn cùng nhóm. Chưa ai kịp trả lời thì P. vừa đi đến.

-  Sao em đến trễ vậy? Cơm vừa bán hết rồi! Một người trong nhóm bán cơm hỏi P.

-  Dạ, em đi vào bệnh viện thăm một người bạn bị ốm.

-  Em mua cơm ở đây lâu chưa? Tôi hỏi P.

-  Dạ em mua ngay khi học năm thứ nhất. Em học ở Trường đại học Khoa học Huế. Giờ là năm thứ 3 rồi! P. nói. Em đang tìm việc làm thêm, vì học đại học chi phí khá nhiều. Gia đình em lại khó khăn.

-  Có thích đến nhà hàng anh làm thêm không? Chiều nay đến luôn! T. nói.

-  Dạ, để em xem lại lịch học rồi sắp xếp. Em cám ơn anh! P. nói rồi chào mọi người ra về.

 “Tuần sau chị rảnh, đến đây bán cơm với chúng em cho vui nhé”. Nói rồi, T. và các bạn chào tôi.

-  Nhất định rồi. Tôi nói và nhìn theo bốn chàng trai tươi trẻ, đầy nhiệt huyết đang nhanh nhẹn lên xe trở về với công việc thường ngày của mình.

Đinh Hoàng Xuân Hồng