Hơn 10 năm qua, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng làm quen và tăng cường sử dụng thẻ thanh toán, góp phần thực hiện mục tiêu giảm sử dụng tiền mặt trong lưu thông, các ngân hàng thương mại ở Việt Nam thường thực hiện miễn, giảm phí phát hành, phí thường niên thẻ ATM nội địa cho khách hàng... Gần đây, một số ngân hàng mới thu gián tiếp phí thường niên qua hình thức thu phí quản lý tài khoản thẻ, nhưng lợi ích thu được từ các loại phí này (nếu có) đối với ngân hàng là không đáng kể. Giờ đây, việc thu phí dịch vụ ATM nội địa được áp dụng, nhiều người bắt đầu “mổ xẻ” những khoản phí mà mỗi chiếc thẻ phải gánh chịu. Trong chương trình thời sự Đài Truyền hình Việt Nam gần đây đã liệt kê nhiều khoản phí mà mỗi thẻ ATM đang gánh đến nỗi tôi không thể nhớ hết, thấp nhất cũng khoảng 160 nghìn đồng/thẻ/năm. Liền đó, đại diện của Hiệp hội thẻ Việt Nam lại lên tiếng cho rằng, có sự hiểu chưa đúng về các khoản phí của ATM... Khoan bàn đến chuyện đúng sai trong cách hiểu, nhưng với khách hàng sử dụng ATM, dù đó là phí phát hành thẻ, phí thường niên để duy trì tài khoản hay là khoản phí gì đi chăng nữa, khách hàng đều phải trả tiền nên họ đều tính gộp vào chiếc thẻ ATM.

Công bằng mà nói, tiện ích của việc sử dụng thẻ ATM đối với cá nhân và cả xã hội là rất lớn. Nhưng, bên cạnh một bộ phận khách hàng phát huy được những tiện ích mà ATM đem lại, cũng còn rất nhiều người chưa thực sự có nhu cầu sử dụng thẻ và cũng chưa phát huy được những tiện ích đó. Đơn cử như những người làm công ăn lương, nguồn thu nhập thấp, tiền vừa trả vào thẻ là rút hết ngay. Tiện ích đâu chưa thấy mà đã thấy phải trả phí và một khoản tiền “chết” duy trì số dư tối thiểu trong thẻ. Chưa kể, để rút được khoản tiền trên phải mất thời gian đi rút tiền, cùng nhiều chuyện nhiêu khê xung quanh chiếc cột ATM. 
 
Tuy vậy, điều cần khẳng định, quy định thu phí giao dịch ATM nội mạng là phù hợp với khuôn khổ pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn hiện nay. Bởi, để triển khai dịch vụ ATM, các ngân hàng phải đầu tư khoản kinh phí không nhỏ (ước chừng 1 tỷ đồng/máy), chưa kể các chi phí để duy trì hoạt động của cả hệ thống và từng cột ATM. Với khách hàng, đa phần đều đồng tình với việc, có sử dụng dịch vụ tất nhiên phải trả phí. Trong giai đoạn hiện nay, mục đích chính của việc thu phí đối với giao dịch ATM rút tiền nội mạng không nhằm vào việc bù đắp, thu hồi toàn bộ chi phí giao dịch mà chỉ giúp các ngân hàng cân đối một phần chi phí bỏ ra, phục vụ ngày càng tốt hơn cho khách hàng và hướng đến sự phát triển bền vững của dịch vụ ATM tại Việt Nam. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước cần giám sát chặt chẽ về mức thu phí, chất lượng dịch vụ để đảm bảo hài hoà lợi ích của chủ thẻ và ngân hàng, tạo động lực cho các ngân hàng thương mại phát triển mạnh dịch vụ thẻ thanh toán và góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Hoàng Giang